Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết cơ quan này vừa hoàn thành việc xây dựng danh mục 460 dự án đầu tư công trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội cho giai đoạn 2021- 2025.
Trong số dự án trên, có 143 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, còn lại là các dự án mới. Dự kiến, trong giai đoạn 2021- 2025, hoàn thành 443 dự án và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026- 2030 là 17 dự án.
Tiêu chí sắp xếp thứ tự ưu tiên gồm công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; công trình sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ; công trình khép kín hệ thống đường vành đai; hoàn thiện các trục hướng tâm, trục chính đô thị; hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; các công trình kết nối các đoạn tuyến đường; các nút giao thông trọng điểm.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên được sắp xếp dựa trên 3 nguyên tắc.
Thứ nhất là phù hợp với định hướng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên được xem xét, đánh giá, lựa chọn trên cơ sở tầm quan trọng, vai trò của công trình trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải kết hợp các điều kiện về thủ tục đầu tư liên quan đến công trình.
Thứ hai là thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường bảo đảm tính kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông.
Thứ ba là giải tỏa ùn tắc giao thông, khắc phục “điểm đen” tai nạn giao thông, phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng, trong đó, tập trung hoàn thiện kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.
Đối với các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Thành phố sẽ triển khai rà soát, đánh giá lại mức độ hiệu quả, tính khả thi và đánh giá về tiến độ, qua đó sẽ đề xuất mức vốn bố trí cho phù hợp. Các dự án sau khi đánh giá có thể bị hoãn lại nếu cần.
Việc rà soát, cân vốn nguồn vốn sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành để có thể sử dụng cân đối. Khi nguồn vốn giao cho chủ đầu tư sẽ kiên quyết áp dụng nguyên tắc xóa bỏ cơ chế xin cho, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm...
Đáng chú ý, trong số này có một loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025. Có thể kể đến như các công trình đường sắt đô thị, như tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi với chiều dài 24,8km; tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 12,5km; tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với chiều dài khoảng 11,5km…
Các công trình đường vành đai gồm vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,27km, tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội đang triển khai thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố. Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng kết hợp mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang thực hiện.
Vành đai 3 bao gồm 2 đoạn, đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài dài 9,8km và đoạn từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh dài 5km, tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng. Vành đai 3,5 bao gồm 2 đoạn, đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 dài 3,8km và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8km, tổng mức đầu tư khoảng 5.670 tỷ đồng…
Các công trình nút giao thông quan trọng như hầm chui Lê văn Lương, hầm chui vành đai 2,5, Cầu vượt chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến