Thu Trang - Ngọc Châm -
 
Vốn là “đất vàng” giữa lòng Hà Nội nên đất ở phố cổ Hà Nội luôn được các nhà đầu tư săn đón. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt bằng phố cổ đang bị bỏ trống hàng loạt.

 

12e7be00fd5c02025b4d

 Mặt bằng cho thuê phố cổ Hà Nội “ế ẩm” vì dịch.

Mỗi mét vuông đất tại phố cổ có giá thị trường trên dưới 1 tỷ đồng do đó giá thuê mặt bằng tại đây luôn ở mức cao, từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng. Ở một số vị trí đắc địa như quanh hồ Hoàn Kiếm, hàng Đào, hàng Bạc, hàng Mã… chủ nhà còn có thể lựa chọn khách thuê. Ấy vậy mà từ khi xảy ra dịch Covid-19. Tại các tuyến phố nổi tiếng có giá bán và cho thuê vô cùng đắt đỏ tại Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Gai, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân, Lương Văn Can, Tràng Thi... xuất hiện hàng loạt biển hiệu cho thuê cửa hàng với diện tích lớn nhỏ khác nhau.

Anh Nguyễn Ngọc Huy, chủ nhà cho thuê trên phố Hàng Đào chia sẻ: Trước dịch bệnh, cửa hàng nhà mình cho thuê mỗi tháng là 60 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy tháng nay do không có khách du lịch, cửa hàng làm ăn thua lỗ nên khách đã bỏ hợp đồng, chịu mất tiền cọc. Mình treo biển 2 tháng nay rồi nhưng vẫn chưa tìm được người thuê. 

Cũng giống như anh Huy, nhiều chủ nhà trên phố cổ cũng đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” vì không tìm được người thuê. Một số chủ nhà đã làm mọi biện pháp như giảm giá thuê từ 20% - 40%, đồng ý cho khách thuê ngắn hạn từ 6 tháng - 1 năm thay vì hợp đồng vài năm như trước kia, thậm chí chia nhỏ mặt bằng để 2,3 người thuê cùng lúc nhưng khách thuê nhà vẫn vắng bóng.

Theo khảo sát, thời điểm hiện tại các con phố xưa nay vốn sầm uất của phố cổ như Hàng Muối, Hàng Bạc, Hàng Bông… các cửa hàng đóng cửa chiếm từ 20% - 40%, có những con phố đã đóng cửa nửa số cửa hàng, các cửa hàng còn hoạt động chủ yếu là hộ kinh doanh lâu năm, không phải trả tiền thuê mặt bằng. 

Các cửa tiệm đóng chủ yếu là cửa hàng bán đồ lưu niệm, trụ sở của các công ty lữ hành du lịch, khách sạn… Theo một số chủ cửa hàng, lí do đóng cửa chủ yếu là không còn đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho chi phí mặt bằng mỗi tháng, vì vậy họ đành đóng cửa, treo biển sang nhượng cửa hàng. 

Chị Vũ Bích Ngọc, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Hàng Gai cho biết đã quyết định sẽ sang nhượng cửa hàng trong tháng này. Theo chị Ngọc, dù chủ nhà đã giảm tiền thuê, cho phép lùi thời gian đóng tiền nhưng do không có khách du lịch, cửa hàng làm ăn thua lỗ nên chị không còn đủ tài chính để giữ cửa hàng. 

Sẽ phục hồi chậm vào năm 2021

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, cần một thời gian dài, có thể là 1 năm để thị trường mặt bằng cho thuê tại phố cổ có thể trở lại như thời “hoàng kim”. Tuy  nhiên giá thuê sẽ giảm từ 10% - 20% sau khi phục hồi. 

PGS.TS Định Trọng Thịnh chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, chủ nhà cần có những biện pháp chia sẻ khó khăn với khách thuê, đồng thời có những thay đổi trong điều khoản hợp đồng cho thuê như cho thuê ngắn hạn thay vì vài năm như trước đây. Đồng thời có sự sửa sang các tiện ích như chỗ để xe, tạo điều kiện chia nhỏ mặt bằng thuê” 

Đánh giá triển vọng của thị trường cho thuê Hà Nội trong thời gian tới, Savills dự báo giá thuê trung bình dự báo sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2020 và phục hồi chậm vào năm 2021. Đồng thời đại dịch đã định hình lại thị trường với nhiều xu hướng mới, khách thuê sẽ ngày càng tập trung vào môi trường thân thiện với nhân viên, sức khỏe của nhân viên và nơi làm việc chất lượng cao.

Ngoài ra, địa điểm giúp giảm thiểu chi phí văn phòng vẫn được duy trì cạnh tranh, xu hướng làm việc từ xa sẽ được áp dụng bởi những công ty toàn cầu lớn và các công ty áp dụng công nghệ. 

Theo Tài nguyên môi trường

Bạn nghĩ sao?