Ngày 12/10, tại Hội trường Thành ủy Đà Nẵng, khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII. Trong đó, kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng trong trạng thái bình thường mới đặc biệt được chú trọng. 

Ảnh hưởng của dịch bệnh đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh

Báo cáo tình hình công tác 9 tháng đầu năm 2021 cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương, biện pháp phòng chống dịch. Với các biện pháp quyết liệt, linh hoạt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, đã cắt được nguồn lây, thu hẹp các “vùng đỏ”; bước đầu đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới...

Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các dự án; duy trì tương đối các hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD); đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh từ tháng 5/2021 đã kéo nền kinh tế thành phố giảm sút mạnh (tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 -1,25%), nhất là khu vực dịch vụ.

h1

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng khóa XXII

Lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động. 9 tháng đầu năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,06 triệu lượt, giảm 48,4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.306 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 978 triệu USD, tăng 13%. Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường nội địa yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố lũy kế 9 tháng ước giảm 4,16% so cùng kỳ. Hoạt động sản xuất thủy sản - nông - lâm tương đối ổn định, năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng cao hơn so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán. Thành phố đã chỉ đạo có giải pháp cân đối ngân sách hợp lý. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 14.233,1 tỷ đồng, đạt 80,9% dự toán.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt được một số kết quả. Thành phố đã tích cực triển khai Chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”. Tổ chức 02 phiên đối thoại với gần 400 hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phê duyệt điều chỉnh Danh mục dự án trọng điểm thu hút nhà đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025; hoàn thành Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030”... Đến nay, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 2.372 tỷ đồng; cấp mới 29 dự án FDI với tổng vốn 149,135 triệu USD.

Thành phố đã tập trung lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra thực tế đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải tỏa, khởi công, triển khai một số dự án quy mô lớn, trọng điểm nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/9/2021, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn ước đạt 3.500 tỷ đồng; đạt 36,7% kế hoạch thành phố, 50,5% kế hoạch Trung ương giao.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10/6/2021 về triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 gắn với Đề án xây dựng thành phố thông minh trong tổng thể Quy hoạch chung thành phố. Ban hành Đề án thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trên địa bàn thành phố đến năm 2025…

Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng do tác động của đại dịch; các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động, giải thể (từ đầu năm đến tháng 9/2021 đã có 542 doanh nghiệp giải thể và 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động); tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng; an sinh xã hội phát sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

h2

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu kết luận Hội nghị

Khôi phục lại các hoạt động SXKD, phục hồi đà tăng trưởng

Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị những tháng cuối năm 2021, toàn thể Đảng bộ cần tiếp tục chung sức, chung lòng, nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu kiểm soát tốt nhất đại dịch, từng bước chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để khôi phục lại các hoạt động SXKD, phục hồi đà tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra từ đầu năm.

TP. Đà Nẵng xem xét tiếp tục mở một số hoạt động trên địa bàn thành phố, thực hiện thống nhất theo hướng dẫn chung của Trung ương. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố củng cố, bổ sung, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, nhất là vắc xin, vật tư y tế, sinh phẩm, xét nghiệm, thuốc điều trị và các cơ sở điều trị. Phấn đấu đến hết năm 2021, hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi; tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho người từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khẩn trương hoàn thiện, ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 để triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội UBND thành phố trực tiếp theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo các nội dung công việc theo kế hoạch, nhất là đối với các công trình dự án trọng lực, trọng điểm, quy mô lớn.

Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp về giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm có khả năng khởi công trong năm 2022 để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các trình tự thủ tục, xác định rõ lộ trình thực hiện, như: Dự án Cảng Liên Chiểu, Dự án Làng Vân, 3 Khu công nghiệp và Khu công nghiệp phụ trợ Khu công nghệ cao.

Đề xuất, triển khai nhanh, sớm việc thực hiện thí điểm mô hình “bong bóng du lịch” trên địa bàn thành phố. Chuẩn bị công tác đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) năm 2022.

Thực hiện các giải pháp duy trì và giải quyết việc làm, chú trọng hỗ trợ, đào tạo, tuyển dụng bảo đảm lao động phục vụ hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?