Dịch COVID-19 kéo dài trong suốt 2 năm qua khiến ngành du lịch ở các tỉnh, thành gần như “tê liệt”, điều này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) dịch vụ homestay “điêu đứng”. Trước áp lực nợ vay ngân hàng hoặc tốn kém chi phí duy trì, nhiều NĐT đã bắt đầu buộc phải bán để cắt lỗ, giảm giá sâu. 

Nhà đầu tư cắt lỗ, giảm giá

Vài năm trở lại đây, xu hướng kinh doanh homestay nở rộ góp phần kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản (BĐS) vùng ven, BĐS nghỉ dưỡng. Thế nhưng, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, kéo theo sự bấp bênh của ngành du lịch, thị trường này cũng rơi vào thế khó. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã như “giọt nước tràn ly” đối với các NĐT dịch vụ homestay. Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng... đã xuất hiện các thông tin rao  bán homestay, đất nền nghỉ dưỡng trên các website: batdongsan.com.vn, meeyland.com, 678.vn…

Anh Minh - chủ một homestay gần đèo Prenn, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết: “Sau khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên ập đến, lượng khách du lịch trong và ngoài nước sụt giảm trầm trọng, vì thế khu homestay của tôi luôn trong tình trạng vắng khách. Trong khi đó, số tiền tôi vay ngân hàng để đầu tư xây dựng quá lớn, rồi chi phí bảo dưỡng, vận hành khiến áp lực tài chính đè nặng. Mỗi tháng, tôi trả gốc và lãi vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng, cộng thêm hơn 20 triệu đồng tiền nhân công, bảo dưỡng, nhưng dịch bệnh thì không biết bao giờ hết, nên tôi buộc phải rao bán, dù không hề muốn”.

home

Một góc khu homestay (Ảnh minh họa). 

May mắn hơn anh Minh, chị Ngọc (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa bán thành công khu homestay ở TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá 6 tỷ đồng. Với giá này, sau khi trừ tiền xây dựng và nội thất, chị lỗ hơn 1 tỷ đồng. Chị Ngọc cho biết: “Thời gian đầu, sau khi trừ chi phí, khu homestay cho thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, công việc kinh doanh ổn định chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến, khách du lịch không có, thêm vào đó là tiền lãi ngân hàng, tiền điện, nước và các chi phí hàng tháng quá lớn, tôi và bạn quyết định bán khu homestay để trả nợ”.

Cần có kiến thức về du lịch

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng kém sôi động do tác động của dịch Covid-19. Tại tỉnh Lâm Đồng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng 7 tháng năm 2021, lượng du khách chỉ đạt khoảng 2 triệu lượt, giảm 11,99% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách quốc tế giảm tới 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8 năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, du khách đến Lâm Đồng gần như không có.

Theo các chuyên gia, tình trạng cắt lỗ homestay sẽ tiếp tục xảy ra nếu như dịch bệnh vẫn kéo dài. Hiện có nhiều chủ homestay cần chuyển nhượng mặc dù đã chi tiền tỷ đầu tư xây dựng từ vài năm trước. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có thể đến quý I hoặc quý II/2022 thị trường mới ổn định lại. Như vậy, những nhà đầu tư BĐS du lịch nếu sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ phải “đẩy hàng” để giải tỏa áp lực về tài chính.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: “Homestay là một trong những loại hình đa dạng hóa kinh doanh trong du lịch đối với những khách hàng thích trải nghiệm, thích khám phá các văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, loại hình homestay này đang phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ là chính nên tính chuyên nghiệp, quy củ, sự quản lý của Nhà nước đang rất lỏng lẻo. Vì vậy, loại hình này cần phải thay đổi để tồn tại, cần được nâng cấp quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất trong thời gian tới”.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa nhận định, các homestay ở Nha Trang, Đà Nẵng không có hiện tượng bán giảm giá trong đợt dịch bệnh thứ tư này, vì các lần bùng phát dịch COVID-19 trước đây, các chủ homestay đã vượt qua. Còn các homestay tại TP.HCM, Lâm Đồng… đợt này lại khá khó khăn. Riêng đối với những NĐT BĐS du lịch bằng vốn vay ngân hàng thì càng khó, nên họ buộc phải bán cắt lỗ. Khách du lịch là nguồn sống của homestay, nếu ba tháng liền không có khách mà vẫn tốn chi phí thì khó duy trì được.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?