Lam Anh - 10:46 - 09/04/2021
 
Mặc dù cơ quan chức năng xử phạt và bắt buộc hoàn nguyên nhưng trên thực tế, theo ghi nhận thì phần lấn chiếm với diện tích lớn đang dần trở thành bãi tắm bên bờ vịnh.

Sau khi bị xử phạt 100 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông (Công ty Phương Đông) có khắc phục diện tích 16.000m2 bãi triều đã lấp lấn ven bờ vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, công ty này chỉ múc bớt, san gạt đất cát trên diện tích đã lấp lấn, khiến bãi triều được coi là vựa sá sùng nơi đây có dáng dấp của một bãi tắm.

So với thời điểm phát hiện sai phạm, khu vực bãi triều rộng hàng chục nghìn m2 bên bờ vịnh Bái Tử Long đã được múc bớt đất đá, không còn cao ngang mặt đường ven biển dẫn vào Khu đô thị Phương Đông. Nhưng suốt từ chân đường ra sát mép nước, vẫn còn lượng lớn đất đá trên bãi triều. Số đất đá này đã được lu lèn phẳng khiến khu vực trông như một bãi tắm nhân tạo.

phuong dong 2

Sau khi khắc phục, trả lại hiện trạng khu vực Công ty Phương Đông đổ đất đá đã dần trở thành một bãi tắm nhân tạo.

Từ bao năm nay, khi thủy triều rút xuống là lúc bãi triều xã Đông Xá, huyện Vân Đồn lại nhộn nhịp người dân xuống đào sá sùng. Mùa hè, đào sá sùng khoảng 20 ngày/tháng, mùa đông từ 10 - 15 ngày/tháng, người đào ít cũng được 300.000 - 400.000 đồng/ngày, nhiều thì 700.000 đến cả triệu bạc mỗi ngày.

Đứng trên bờ kè tiếp giáp giữa bãi biển và Khu đô thị Phượng Hoàng đang được hoàn thiện sang trọng, chị L.T.H. (nhà ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá) bần thần nhìn những ô tô, máy xúc đang đào, bới đất đá gầm gào dưới bãi triều. Chị H. lo lắng, nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn sá sùng nơi này chẳng thể như xưa khi đã từng bị đất đá đổ kín, làm ô nhiễm.

Không chỉ chị H. mà rất nhiều người dân khu vực này đã và đang lo lắng tiềm năng nguồn lợi thủy sản dồi dào bị thu hẹp kể từ khi tỉnh Quảng Ninh cho phép Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông triển khai dự án Khu đô thị Phượng Hoàng ven biển.

Dự án bắt đầu từ cuối năm 2011 trên diện tích khoảng trên 170ha và rầm rộ từ năm 2018 đến nay. Dự án càng hình thành đến đâu thì diện tích đất bãi triều, trong đó có khoảng 35ha bãi đào sá sùng truyền thống của ngư dân địa phương càng bị thu hẹp.

“Chúng tôi hiểu việc đầu tư, phát triển khu đô thị này cũng góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Vì vậy, chúng tôi không kêu than khi một phần bãi triều bị san lấp, thu hẹp, dù việc khai thác thủy sản bắt đầu khó khăn hơn nhiều. Nếu như trước đây, chỉ đi bộ một đoạn là có thể ra được bãi triều, giờ phải đi xa hàng cây số, lội qua nhiều lạch nước nguy hiểm. Nhưng đến khi doanh nghiệp đổ đất đá lấn gần kín bãi triều, vượt ngoài diện tích được cấp phép thì người dân buộc phải khiếu kiện”, bà Ng. Th.H. (ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá) bức xúc.

phuong dong 1

Bãi đào xá sùng của người dân nơi doanh nghiệp đổ đất, đá có nguy cơ bị xóa sổ

Về việc lấp lấn 16.000m2 đất bãi triều, bị UBND huyện Vân Đồn xử phạt 100 triệu đồng và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu, theo Công ty Phương Đông, là vì sự an toàn của người dân.

Bởi, quá trình thi công tuyến cừ ứng lực theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, phát sinh việc chân đoạn cừ đã đóng từ K0+930 đến KI+630 (khoảng 700m chiều dài) có phần lạch cừ địa hình lồi lõm, chỗ sâu, chỗ nông rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua. Vì vậy, Công ty Phương Đông đã hoàn nguyên tạo mặt bằng, đổ đất đá xuống để không còn các vùng lồi lõm, đảm bảo an toàn cho người dân khi nước biển dâng cao.

Trước lý giải của Công ty Phương Đông, ông Ng.Đ.N. (ở thôn Đông Tiến, xã Đông Xá) bác bỏ: “Nếu có mục đích “cao cả” như vậy, sao doanh nghiệp này không thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật mà lại lợi dụng đúng thời điểm dịch bệnh, nghỉ Tết mới “lặng lẽ” vận chuyển đất đá ra san lấp?

Ông N. đặt nghi vấn, hiện giá đất ở khu vực này lên tới vài chục triệu đồng/m2, phải chăng doanh nghiệp cố tình “tiền trảm, hậu tấu”, nếu trót lọt thì đây sẽ là khoản lợi kếch xù.

Còn chị H.T.H. ở xã Hạ Long - một người dân sinh sống bằng nghề đào sá sùng tại bãi triều xã Đông Xá thì cho rằng: “Bãi triều lồi, lõm là đương nhiên. Nếu lo nguy hiểm, chỉ cần làm biển cảnh báo nguy hiểm, sao lại mang đất đá đổ xuống nơi sá sùng đang sinh trưởng rồi lý giải là vì mục đích an toàn cho dân?”

Theo một cán bộ từng nhiều năm làm công tác bảo tồn trên vịnh Bái Tử Long, sá sùng là hải sản mang tính đặc hữu hẹp, sinh trưởng ở rất ít vùng. Đây là loài rất có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao.

Việc đổ đất mang từ đồi xuống khu vực này, dù có được bốc, xúc lên ngay thì cũng đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của vùng nước. Muốn phục hồi môi trường như trước chắc chắn không phải là chuyện một sớm, một chiều.

Khi thực hiện hoàn nguyên môi trường sau lấn biển, san lấp, khôi phục lại hiện trạng ban đầu rất khó khăn và phức tạp, cần phải có các biện pháp phù hợp để thu dọn hết sạch lớp vật liệu đã đổ xuống.

                                                                

Bạn nghĩ sao?