Mới đây, tại Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung gắn việc nâng cao chất lượng hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, có giải pháp ứng dụng chuyển đổi số thông qua cấp chứng chỉ hành nghề và mã số công nghệ cho các môi giới. 

Hoạt động môi giới tác động lớn tới thị trường

Hoạt động kinh doanh bất động sản luôn gắn liền với đội ngũ môi giới. Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng môi giới khi có gần 33 nghìn cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề. 80% giao dịch bất động sản thành công thông qua hoạt động môi giới. Môi giới bất động sản đã trở thành loại hình kinh doanh dịch vụ phổ biến ở Việt Nam.

Hiện, cả nước có khoảng 320.000 nhân viên môi giới, nhưng mới chỉ có khoảng 10% được cấp chứng chỉ hành nghề, dẫn đến nhiều bất cập do hạn chế về năng lực, chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch. Do vậy, đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư như vụ Công ty Alibaba lừa đảo, bán “khống” nhiều dự án tại các tỉnh Đồng Nai, Phú Quốc…

moi gioi

Quang cảnh buổi tư vấn bất động sản với khách hàng trước thời điểm dịch Covid-19 

Bên cạnh đó, nhiều môi giới thiếu chuyên nghiệp, không được đào tạo, không có kiến thức, hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật... dẫn đến làm lũng đoạn thị trường, “thổi” giá, “đẩy” giá tạo nên những “cơn sốt” đất tại nhiều vùng trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là sự tiếp tay cho những dự án và chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật, lừa đảo khách hàng, đưa những thông tin sai lệch về dự án.

Vì vậy, trong Dự thảo Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản, các chuyên gia đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về nội dung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo về hoạt động môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị, để hướng đến một thị trường dịch vụ chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, phải cần một số giải pháp đồng bộ từ chính sách của Nhà nước. Trong đó, tập trung vào việc truyền thụ kiến thức về pháp luật kinh doanh, đạo đức hành nghề môi giới. Quy định bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ. Đặc biệt, cần quan tâm việc cập nhật kiến thức hàng năm cho nhân viên môi giới và xây dựng văn hóa kinh doanh của sàn giao dịch.”

Áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động môi giới

Mới đây, tại Dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung pháp luật kinh doanh bất động sản theo phương án các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới.

Theo đó, các sàn giao dịch sẽ trở thành tổ chức trung gian có trách nhiệm và nghĩa vụ thẩm định pháp lý của bất động sản, công bố, niêm yết thông tin; chịu trách nhiệm và bồi thường cho khách hàng nếu có sai sót xảy ra. Môi giới viên sẽ cần có chứng chỉ hành nghề và mã số công nghệ.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết để xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp và nâng tầm hoạt động môi giới bất động sản.

Đề xuất này đã lấy tính minh bạch của thị trường làm căn bản và quyền, lợi ích của người tiêu dùng làm nền tảng bảo vệ. Để bảo vệ được người tiêu dùng thì phải có một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm trước khách hàng và duy trì sự tích cực của thị trường.

“Từ trước đến nay, các môi giới hoạt động không cần tuân thủ quy định của pháp luật vì thực tế, luật còn đang lỏng. Thậm chí có chứng chỉ xong, môi giới viên hoạt động thế nào cũng không ai kiểm soát được... Môi giới trong tương lai phải có mã số định danh để quản lý được hoạt động hành nghề. Họ phải được đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ, có trình độ nghiệp vụ và phải được quản lý bằng các hệ thống công nghệ. Tất cả những thông tin về môi giới viên và hoạt động của họ phải được đưa lên hệ thống số để được quản lý khoa học, chặt chẽ, thông suốt. Các đơn vị chức năng nhờ vậy không mất nhiều thủ tục, thời gian kiểm soát” - ông Đính phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp chất lượng và tính minh bạch của thị trường tốt lên, tính chuyên nghiệp của cá nhân môi giới sẽ được đòi hỏi cao hơn. Như vậy, chất lượng tốt hơn thì thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Do vậy, cần phải có những cách thức quản lý vừa thông thoáng, vừa chặt chẽ và chú trọng vào khâu hậu kiểm, thì đó là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng hoạt động môi giới. Đây là những điểm mà điều chỉnh luật, xây dựng lại cơ chế, áp dụng hệ thống quản lý công nghệ để kiểm soát tốt thị trường.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?