Liên Minh - 09:28 - 17/11/2020
 
Sau khi UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định giao nhiều khu “đất vàng” cho doanh nghiệp thực hiệc các siêu dự án một cách “thần tốc”, không hề thông qua đấu giá, không thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật khiến dư luận vô cùng bức xúc?

Hiện nay, người dân tỉnh Bình Thuận đang mong chờ những biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để từ các cơ quan chức năng từ tỉnh tới Trung ương, nhằm bảo vệ đất rừng phòng hộ, đất công, đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đúng theo quy định của pháp luật… 

UBND tỉnh Bình Thuận đã “thần tốc” giao “đất vàng” cho doanh nghiệp?

Cụ thể, vào ngày 22/03/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 738/QĐ-UBND  phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của TP. Phan Thiết, trong đó, quy định việc quy hoạch và phát triển dự án lấn biển tại phường Đức Long. Một ngày sau đó, tức ngày 23/03/2017, UBND Tp. Phan Thiết đã tổ chức cuộc họp với sự chủ trì của Sở Tài nguyên & Môi trường (Sở TNMT), đại diện là Chi cục quản lý đất đai tỉnh, đồng thời có sự tham gia đầy đủ của các ban ngành chức năng trong tỉnh gồm: Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hải (Công ty Trường Phúc Hải) để ban hành Quyết định cho phép Công ty Trường Phúc Hải được triển khai dự án này hay không?

Tiếp đó, ngày 28/03/2017, Sở TNMT tỉnh Bình Thuận gửi Văn bản số 1153/STNMT-CCQLĐĐ tới Công ty Trường Phúc Hải về việc: Công ty Trường Phúc Hải đủ điều kiện thực hiện thủ tục đất đai theo quy định. Điều đó có nghĩa là Dự án được doanh nghiệp thực hiện bằng hình thức thuê đất, mà không phải thông qua đấu giá.

2153_BT1

Dự án chỉnh trang đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, Tp. Phan Thiết do Công ty Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư 

Bởi, Sở TNMT đã thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án lấn biển bố trí lại khu dân cư và chỉnh đô thị tại phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết của Công ty Trường Phúc Hải và các quy định của pháp luật thì đây là loại dự án sản xuất kinh doanh sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước với đề xuất vốn thực hiện dự án của Công ty Trường Phúc Hải là 950 tỷ đồng. Trong đó, khả năng đáp ứng năng lực tài chính là 15% vốn đầu tư dự án theo giấy xác nhận số dư của Ngân hàng Ocean Bank đến ngày 22/10/2014 là 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, văn bản 1153 nêu rõ: Theo báo cáo rà soát tình hình thực hiện pháp luật đất đai của Công ty Trường Phúc Hải và rà soát hồ sơ có liên quan thì công ty chưa được các cấp có thẩm quyền giao thuê đất trên địa bàn tỉnh, công ty cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Đến, ngày 17/04/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định chủ trương đầu tư số 1017/QĐ-UBND với việc chấp thuận cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án này với yêu cầu công ty phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trước thời điểm giao đất cho thuê đất.

Tiếp đó, vào ngày 07/07/2017 UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 1909/QĐ-UBND  về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

Chỉ 03 ngày sau, ngày 10/07/2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 1943/QĐ-UBND với nội dung phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long với quy mô diện tích đất gần 123ha. Mục tiêu là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất để sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị, mật độ dân số lên tới 18.000 người.

Ngày 07/02/2018, Sở TNMT đã có tờ trình số 99/TT-STNMT về việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Tờ trình 99 nêu rõ: Công ty Trường Phúc Hải đã nộp số tiền hơn 4,8 tỷ đồng theo thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư ngày 06/02/2018 của Sở Kế hoạch Đầu tư. Như vậy, chỉ hơn 10 tháng kể từ khi UBND tỉnh Bình Thuận ký Quyết định kế hoạch sử dụng đất năm 2017, gần 123ha đất lấn biển đẹp nhất Tp. Phan Thiết đã nhanh chóng được giao cho Công ty Trường Phúc Hải mà không cần bất kỳ thủ tục đấu giá nào?

Không chần chừ, ngay lập tức, Công ty Trường Phúc Hải tổ chức mở bán dự án này với tên thương mại là Hamubay Phan Thiết trên diện tích gần 123ha được tỉnh Bình Thuận quy hoạch thực hiện dự án theo 04 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 đã triển khai 4ha với hơn 120 nhà phố liền kề, biệt thự phố, biệt thự nghỉ dưỡng, beer clup, shophouse… có diện tích từ 90-150m2, bao gồm các căn nằm tại dãy mặt tiền đường ven biển và ven đường nội bộ dự án.

Ngoài ra, theo ý kiến người dân địa phương với sự tư vấn của chuyên gia pháp lý, mặc dù đã được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án không qua đấu giá, nhưng căn cứ Quyết định số 1017/QĐ-UBND, sau khi thực hiện dự án được giao, chủ đầu tư (Công ty Trường Phúc Hải) đã không thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo giá đất cụ thể của UBND tỉnh, không bố trí tái định cư của các hộ dân ven biển, di dời mồ mả, dân cư là trái với quy định Luật Đất đai, cũng như gây bức xúc trong dư luận, gây bất ổn định trong sinh hoạt xã hội ở địa phương khi nhà đầu tư không có những công tác hỗ trợ đúng mức cho người dân. Đồng thời, việc UBND tỉnh Bình Thuận giao đất không thông qua đấu giá mà "ưu ái" cho Công ty Trường Phúc Hải, không xem xét trên báo cáo tài chính năm gần nhất là  thiếu cơ sở pháp lý và chưa đúng quy định pháp luật.

3339_z2173058224427_b103a93d8b678396c8d8113a863eece9

Người dân vô cùng bức xúc, khi phải di dời nơi ở nhường đất cho Công ty Trường Phúc Hải thực hiện dự án Hamubay Phan Thiết, nhưng không được đền bù giải phóng mặt bằng đúng theo quy định 

Do có nhiều phản ánh của người dân và dư luận trong tỉnh cũng như những “nổi cộm” chưa được giải quyết trong dự án Hamubay Phan Thiết, ngày 31/03/2020, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kết luận thanh tra số 867/KL-SXD việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng chống rửa tiền đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó có dự án Hamubay Phan Thiết.

Kết luận nêu rõ, Công ty Trường Phúc Hải đã ký kết hợp đồng kinh tế hợp tác phát triển dự án với Công ty CP tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng (Công ty Đất Biển Vàng) để thực hiện các công việc liên quan đến bán sản phẩm của dự án. Tuy nhiên Công ty Đất Biển Vàng chưa thực hiện đầy đủ quy định Luật kinh doanh bất động sản… Công ty Trường Phúc Hải chưa thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu định kỳ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tới Sở Xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận 867 nêu rõ: “…Trong quá trình thực hiện dự án Công ty Trường Phúc Hải và đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản (Công ty Đất Biển Vàng)  chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, kinh doanh bất động sản…”.

Phá "rừng phòng hộ" để làm dự án du lịch?

Tương tự, nhiều “vấn đề” cũng đã và đang xảy ra tại Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư (sau đó lập tư cách pháp nhân mới thành Công ty TNHH Biển Quê Hương – Phan Thiết để thực hiện dự án), thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (Tp. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 05/12/2016.

Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận lần lượt ban hành 02 Quyết định số 904/QĐ-UBND (ngày 05/04/2017), Quyết định số 3670/QĐ-UBND (ngày 21/12/2017) về việc thu hồi đất và tạm giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam để thực hiện dự án.

Chưa dừng lại ở đó, dự án này lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh 02 lần tại các Quyết định số 1165/QĐ-UBND (ngày 09/05/2018) và Quyết định số 966/QĐ-UBND (ngày 17/04/2019).

Đến ngày 02/08/2019, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 1961/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Theo đó, Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có quy mô khoảng 12,54 ha.

Tiếp theo, ngày 28/10/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc “chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương”.

2150_BT3

Ngày 28/10/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc “chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương” 

Mặt khác, trước đó, ngày18/04/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 999/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương tại Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (Tp. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận. Theo phản ánh của người dân, để có đất giao cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam thực hiện dự án, thực chất UBND tỉnh Bình Thuận đã phải chấp nhận “hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong khu vực rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý?

2154_BT2

Để có đất thực hiện dự án, tỉnh Bình Thuận phải chấp nhận “hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng nay phải nhường chỗ cho dự án du lịch cộng đồng 

Do vậy, người dân và dư luận tỉnh Bình Thuận vô cùng lo lắng bởi khả năng ngăn chặn bão lũ, triều cường cho khu vực Tiến Thành, Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung sẽ không còn, khi diện tích rừng ven biển ngày càng thu hẹp, hoặc mất đi vĩnh viễn để nhường chỗ cho những dự án du lịch cộng đồng? Người dân không khỏi lo sợ khi nguy hiểm rình rập bởi tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn, nuốt trôi sự sống, cuộc sống sinh hoạt ngày càng tăng lên ở Phan Thiết này?

Mặt khác, người dân địa phương đặt dấu hỏi: Liệu đất thuộc "rừng phòng hộ" do Nhà nước quản lý có đươc phép giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch mà không cần tổ chức đấu giá hay không? Như vậy có đúng với các quy định của pháp luật hay không?

Vì vậy, người dân và dư luận tỉnh Bình Thuận đang mong chờ sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng từ địa phương tới Trung ương để thanh, kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm, giải quyết kịp thời, triệt để, nhằm đảm bảo việc thực hiện các dự án du lịch ở địa phương đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ, đất công cũng như đảm bảo những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân ở những khu vực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?