Tiên Nguyễn -
 
Chiều 11/11, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhận nhiều tranh luận liên quan đến trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Buổi chiều ngày 11/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ông là thành viên Chính phủ thứ tư đăng đàn trả lời chất vấn, sau Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục nhận được những chất vấn liên quan đến trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Giải ngân chậm – nguyên nhân chính ở khâu tổ chức thực hiện

Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đặt vấn đề, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối tháng 10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công như việc giải ngân ODA còn thấp so với kế hoạch. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo cũng như để thúc đẩy giải ngân vốn ODA.

Trả lời đại biểu Âu Thị Mai về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân của việc chậm trễ này lớn nhất là do chất lượng công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất nhiều thời gian.

Về giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng là câu chuyện muôn thuở, bởi các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp, ý thức người dân... làm chậm tiến độ. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng...

Riêng năm 2021, có những nguyên nhân là bởi đại dịch COVID-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng đến các vấn đề về nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng cao. Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và trùng với nhiều sự kiện lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính. Toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương. Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm.

“Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương. Còn những vấn đề thuộc về trách nhiệm Trung ương và Bộ thì chúng tôi cầu thị”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Vấn đề không phải ở luật pháp

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đã sử dụng quyền tranh luận để trao đổi lại với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

2

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Ông Hạ nhắc lại chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, không chỉ trong giải ngân mà bất cập từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc dự án.

Đồng tình với nguyên nhân do tổ chức thực hiện, ông Hạ còn nêu tình trạng khi xây dựng kế hoạch không sát, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương mà do doanh nghiệp lập kế hoạch. Đặc biệt, có tình trạng điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ xây dựng kế hoạch thì thấy cần thiết, bức xúc nhưng nhiệm kỳ sau lại xin điều chỉnh.

“Luật đã quy định rõ, vậy chuyện tồn tại nhiều năm thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm gác cửa, tham mưu về lĩnh vực này phải có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay. Nếu cứ để vướng mắc tồn tại dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hạ nói và đề nghị Bộ trưởng nói rõ giải pháp cũng như trách nhiệm.

Giải trình ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vấn đề không phải ở luật pháp vì luật đã quy định rõ ràng, đầy đủ, phân cấp triệt để cho địa phương, không còn một vấn đề gì phải lên đến Trung ương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ quản lý tổng hợp chung thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

Tất cả vấn đề, theo Bộ trưởng, nằm ở việc tổ chức thực hiện, vì cùng một thể chế nhưng có nơi giải ngân cao vượt chỉ tiêu, có nơi lại rất thấp, chỉ 18%.

Nêu dự báo tỷ lệ giải ngân năm nay chỉ đạt 80 - 85%, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, bộ ngành nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, không đổ cho pháp luật.

Về yếu tố lập kế hoạch không sát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận việc này đúng. “Các địa phương, bộ ngành cũng thờ ơ, hoặc chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất số vốn rất lớn và không giải ngân được”, Bộ trưởng thừa nhận một phần trách nhiệm là của Bộ vì nể nang, không làm hết trách nhiệm khi tổng hợp số vốn này và đưa lên trên.

Bộ trưởng phân tích khi con số không sát thực hiện và lớn lên sẽ gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân, dẫn đến tình trạng phải trả lại vốn, điều chuyển vốn. Một lần nữa, Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm trong rà soát kế hoạch vốn mà các bộ ngành, địa phương trình lên và cam kết khắc phục trong thời gian tới.

“Địa phương nói, giải ngân chậm là do Trung ương”

Chưa nhận thấy vấn đề trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công được rạch ròi, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc này, vì khi đi giám sát địa phương lại phản ánh trách nhiệm của Trung ương.

“Dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì trách nhiệm thuộc về Trung ương”, là câu trả lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra. Bên cạnh đó, với các dự án của Trung ương triển khai tại địa phương, nếu cấu phần nào đã bàn giao cho địa phương thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Tiếp tục chuỗi tranh luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng những dự án nhóm A và trọng điểm quốc gia do Bộ, ngành Trung ương thẩm định, nếu Bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì “tội nghiệp địa phương quá”.

Ông đề nghị làm rõ địa phương nào chậm thì xử lý trách nhiệm, nhưng bộ ngành Trung ương thẩm định chậm cũng phải làm rõ trách nhiệm.

Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định thẩm quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án quan trọng quốc gia thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng.

“Cái nào chậm trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Trung ương hãy cho chúng tôi biết, tôi đảm bảo Bộ luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên có thể khi tổng hợp lại bị chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bạn nghĩ sao?