Với những thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ là những lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Trong buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/2/2017, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá "Chưa bao giờ Ban Kinh tế Trung ương có được vị thế như ngày nay". Đây là những ghi nhận quý báu của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc suốt 70 năm qua.
Phát biểu tại Chương trình gặp mặt "Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế Đảng", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nhấn mạnh: "Ôn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta cũng bày tỏ lời cảm ơn các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ. Chúng ta mãi ghi nhớ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các đoàn thể, cơ quan, các nhà khoa học và các cơ quan đối tác trong và ngoài nước đối với Ban Kinh tế Trung ương".
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng gửi đến các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ lời tri ân sâu sắc; đồng thời nhắn gửi đến toàn thể cán bộ của Ban, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, nhiệm vụ tới đây của Ban Kinh tế Trung ương rất nặng nề nhưng cũng rất tự hào, tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phát huy, truyền thống 70 năm vẻ vang để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó.
Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình đặc biệt này, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, nêu rõ, nhìn lại chặng đường 70 năm qua, trong từng giai đoạn, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng nhiều chủ trương về kinh tế - xã hội, tạo nên những bước phát triển của cách mạng Việt Nam, như đường lối, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương lớn vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng ta còn nhớ, những phong trào lớn trong sản xuất như: "Sóng Duyên Hải" trong xí nghiệp, "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"…, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng điểm lại các giai đoạn lịch sử của Ban gắn với các giai đoạn lịch sử của đất nước, trong đó Ban Kinh tế Trung ương đã đóng góp quan trọng vào tham mưu cho Đảng về nhiều chủ trương có tính đột phá như Khoán 100, Khoán 10 trong nông nghiệp, "ba phần kế hoạch" trong xí nghiệp, "bù giá vào lương"... Đây là những đóng góp quan trọng, không chỉ mở đường cho sản xuất "bung ra", đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, khủng hoảng, mà còn đặt những viên gạch đầu tiên, quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế.Từ năm 1986, dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới do Đại hội VI của Đảng đề ra, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, nắm bắt các xu thế phát triển của thế giới, bám sát thực tiễn phát triển đất nước, tích cực tham mưu, cụ thể hóa, hoàn thiện đường lối đổi mới kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có những nội dung cốt lõi đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội và nghị quyết Trung ương các khóa.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh kết quả của từ khi thành lập lại (năm 2012) đến nay, cán bộ, đảng viên Ban Kinh tế Trung ương luôn nêu cao đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, từng bước kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiều nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số lượng lớn các đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó một số nghị quyết xác định những chủ trương quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của đất nước như, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước; định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; chủ trương, chính sách tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; chính sách đất đai; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Ngoài các đề án lớn, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành một số nghị quyết, kết luận về xây dựng và phát triển các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa; đã phối hợp nghiên cứu, thẩm định giúp Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, cơ chế đặc thù cho thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng, trình Trung ương, Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã bám sát các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc và phát triển đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế - xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chất lượng thẩm định ngày càng nâng cao, đóng góp ý kiến thẳng thắn, thực chất và có trách nhiệm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng; phát hiện, tổng kết được nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp góp phần đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự đi vào cuộc sống. Phối hợp với các ban Đảng, các cơ quan trung ương, địa phương và các đối tác khác được triển khai hiệu quả, thiết thực hơn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả và khẳng định vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế - xã hội. Những thành tích rất đáng tự hào của 70 năm qua, là sự cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã luôn tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, cầu thị, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong đó nhiều đồng chí đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng nhiệt liệt chúc mừng những thành tích rất đỗi tự hào của Ban Kinh tế Trung ương đã dành được trong 70 năm qua và chia sẻ với Ban Kinh tế Trung ương một số vấn đề:
Thứ nhất, tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến ngoài dự báo thông thường, trong đó kinh tế là lĩnh vực biến chuyển nhanh và sâu sắc nhất. Nếu không liên tục đổi mới, thì không thể theo kịp sự thay đổi đó của tình hình. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế - xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác với chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Thứ hai, tham mưu, đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách đã khó, nhưng đưa chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn. Vì thế, Ban cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Thứ ba, để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nêu trên, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, khoa học và hiệu quả; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị. Mỗi cán bộ Ban Kinh tế Trung ương không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, không suy thoái về đạo đức, lối sống, không "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" để ảnh hưởng, tác động tới quá trình tham mưu chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực nâng cao trình độ lý luận, nắm bắt tri thức mới về kinh tế - xã hội, nêu cao trách nhiệm, liên tục đổi mới sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp.
Đồng chí nhắn nhủ tới Ban Kinh tế Trung ương, với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi cán bộ, đảng viên của Ban Kinh tế Trung ương cần thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân", "Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm", cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, để xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng và tin cậy của Đảng về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến