10:43 - 26/04/2022
 
Cùng với sự kiện khánh thành Đền thờ vua Hùng tại Cần Thơ và Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III – Cần Thơ 2022, thì “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX” diễn ra từ ngày 7-11/4/ 2022 tại Quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, được coi là sự kiện kích cầu du lịch với kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới hút để ngành du lịch Cần Thơ bật dậy sau dịch COVID-19.

Quảng bá mạnh mẽ tinh hoa ẩm thực

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX-2022 thu hút hàng ngàn người tới tham gia để thưởng thức hàng trăm thứ bánh ngon và đẹp mắt của khắp các vùng miền cả nước. Đến với Lễ hội bánh dân gian năm 2022, có 31 đơn vị đăng ký tham gia hội thi, với 173 nghệ nhân và 97 món bánh, được chế biến từ thực phẩm ngũ cốc, rau, củ, quả như như bánh ớt, bánh lọt, bánh xèo, bánh bầu, bánh ống, bánh gừng, bánh tằm ngũ sắc, bánh con sùng ngũ sắc, bánh ú lá tre… Hầu hết, các loại bánh dân gian được chế biến hấp dẫn, đẹp mắt, thể hiện đặc trưng của địa phương, vùng, miền, dân tộc.

1740_1

 Với lịch sử hình thành 130 năm, thành phố Cần Thơ được xác định là thành phố trẻ, nhiệt huyết. Ảnh: TL

Tại đây, gian hàng "Bánh nhà nghèo thời 4.0" thu hút đông đảo du khách bởi cái tên độc đáo, gây tò mò. Chủ nhân là Nghệ nhân làm bánh Huỳnh Ngọc Lan cho biết: Ngày trước người dân Sóc Trăng làm món bánh này vì cuộc sống quá nghèo khó, người nông dân làm bánh từ những nguyên liệu sẵn có của nhà nông, như bầu, bột gạo, dừa,... Có một thời gian bánh bị thất truyền nên bây giờ cô làm lại để thực khách được thưởng thức. Cách làm bánh khá đơn giản: bầu trái gọt vỏ, bào lấy sợi bỏ ruột; pha bột với nước cốt dừa, nêm ít muối, đường, bột nêm. Bánh được cách thủy khoảng 20-40 phút. Khi bánh gần chín, bỏ thêm hành lá vào trên bề mặt để trang trí. Bánh bầu ngọt được dùng với nước cốt dừa, khiến cho người ăn được thưởng thức vị thơm ngọt và ngậy béo.

Cô Ngọc Lan cũng cho rằng, tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, du khách có dịp trải nghiệm nhiều hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ, đặc biệt là các loại bánh dân gian, tìm về ký ức tuổi thơ và có cơ hội tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, mà món “Bánh nhà nghèo” của cô là một điển hình.

Một nữ khách hàng đến với Lễ hội cho biết, bà là Nguyễn Thanh Hoa (76 tuổi) là người gốc Hà Nội nhưng sinh sống tại miền Tây từ năm 1986, bà rất yêu thích những món bánh dân gian tại đây. Đến với Lễ hội, bà rất thích thú được thưởng thức những loại bánh mới lạ và hấp dẫn mà chưa được thưởng thức trước đó. Dù thời tiết nóng bức, nhưng bà cùng những người bạn của mình sẽ cố gắng đi thăm quan hết các gian hàng tại lễ hội.

“Tôi cho rằng, đây là một cơ hội quý để người dân Cần Thơ nói riêng và du khách thập phương nói chung có thể thưởng thức những món bánh dân gian của dân tộc. Theo tôi được biết, có nhiều món bánh ở đây được duy trì và nổi tiếng qua nhiều thế hệ. Đây cũng là dịp để du lịch Cần Thơ phục hồi mạnh mẽ, thu hút khách du lịch sau thời gian đóng băng do dịch COVID-19”, bà Thanh Hoa nói.

Chiến dịch “bật dậy” phục hồi du lịch từ ẩm thực

Từ ngày 15.3, ngành du lịch cả nước đã chính thức hồi sinh. Riêng tại TP Cần Thơ, địa phương này đã mở cửa trở lại nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và có kế hoạch kích cầu và phục hồi du lịch. Trong đó, việc gìn giữ và phát triển ẩm thực là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

2135_2-horz

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX thu hút hàng ngàn người tới tham gia. Ảnh: Tạ Quang 

Tham gia Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, các làng nghề bánh dân gian đẩy mạnh liên kết với các công ty du lịch dã ngoại trong và ngoài thành phố để xây dựng tour như tại một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái, làng nghề có chương trình mời du khách tham quan, trải nghiệm, thử làm và thưởng thức bánh dân gian cùng nghệ nhân.

Có thể thấy, sự góp mặt của các nghệ nhân tại Lễ hội bánh đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, nhất là các loại bánh dân gian truyền thống của Nam Bộ. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và thúc đẩy phát triển du lịch.

Trước đó, để đánh dấu ngày mở cửa trở lại và phục vụ du khách, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết, làng du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) đã tổ chức "Ngày hội bánh dân gian và ẩm thực tết quê mình" với hàng trăm món ăn dân dã Nam Bộ. Cùng với đó, làng du lịch sinh thái Ông Đề cũng xây dựng khu homestay gần gũi thiên nhiên, thoáng mát để phục vụ du khách muốn nghỉ lại qua đêm, thưởng thức các món ngon đậm chất Miền Tây Nam Bộ mang hương vị gợi nhớ về một ký ức đã qua.

Làng du lịch Mỹ Khánh (thành phố Cần Thơ) cũng tạo điểm nhấn để thu hút du khách, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua cũng đã tổ chức Lễ hội ẩm thực Tết quê với 40 gian hàng, bao gồm: Khu chợ quê Mỹ Khánh là nơi biểu diễn, chế biến với hàng trăm món ngon ngày Tết cũng như không gian ẩm thực đậm chết Tết quê, các gian hàng bánh dân gian của các nghệ nhân nổi tiếng tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ cho biết, thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã có sự phục hồi mạnh mẽ, lượng khách đến với Cần Thơ tăng cao, qua đó, tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước. Vì vậy, thông qua chuỗi hoạt động, sự kiện lần này, thành phố sẽ quảng bá, giới thiệu về văn hóa, vùng đất và con người Nam Bộ, tạo đó, tạo dựng những hình ảnh đẹp, kích cầu du lịch, thu hút du khách.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Sở cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức sự kiện đến cuối năm 2022 để thu hút khách tham quan. Các hoạt động chủ yếu hướng đến điểm nhấn du lịch tại các địa phương như: Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc mùng 5.5 âm lịch ở quận Thốt Nốt, điểm nhấn văn hóa tại quận Bình Thủy, Ngày hội sinh thái tại huyện Phong Điền vào tháng 9, ngày du lịch Việt Nam tại quận Cái Răng, ngày hội hoa đăng Ninh Kiều vào dịp cuối năm.

Đến với Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2022, có thể thấy rõ Du lịch Cần Thơ đang bật dậy sau dịch COVID-19 bắt đầu từ quảng bá ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn!./.

Theo Tầm Nhìn 

Bạn nghĩ sao?