Phóng viên - 19:12 - 26/11/2020
 
Ngày 18-11, hơn 350 doanh nghiệp xuất khẩu đã tham dự Diễn dàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước”. Diễn đàn do Bộ Công thương phối hợp với UBND TPHCM và Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ (USABC) tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 18% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực năm 2001, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng bình quân 12%-16%/năm. Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương của doanh nghiệp (DN) thành phố và Hoa Kỳ đã đạt 8,4 tỷ USD.

1

Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực 

Ở phạm vi cả nước, từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 65,1 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 54,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD. Về dòng vốn đầu tư trực tiếp, Hoa Kỳ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD.

Nhìn nhận về tiềm năng mở rộng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhiều DN khẳng định vẫn còn rất lớn. Hiện Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nhưng thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Chi tiêu dùng tăng từ mức âm 6,9% quý 1 lên mức 33,2% vào quý 3. Dự kiến, đà tăng trưởng dương sẽ được duy trì từ nay đến hết năm 2021. Điều này sẽ tạo thuận lợi để DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Tại diễn đàn, các DN hai nước đã tập trung thảo luận, nhận định tình hình quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời nhận diện cơ hội và triển vọng hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh xung đột thương mại thế giới, dịch Covid-19, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Cuối cùng là khuyến nghị giải pháp và định hướng để DN có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen.

2

11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương của doanh nghiệp thành phố và Hoa Kỳ đã đạt 8,4 USD 

Bà Marie Christine Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng - những lĩnh vực thế mạnh của DN Hoa Kỳ, do đó DN hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác. Các DN Hoa Kỳ cũng quan tâm tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam, như thương mại điện tử (TMĐT), trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh, hay hợp tác trong ngành hàng không, nông nghiệp và giáo dục.

Chia sẻ tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế số ở Việt Nam ngày càng phát triển, do đó vấn đề an toàn, an ninh mạng rất quan trọng và đây sẽ là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng giữa Việt Nam với các DN Hoa Kỳ.

TPHCM đang định hướng phát triển là trung tâm tài chính khu vực theo hướng kết nối fintech với đô thị sáng tạo, đồng thời muốn phát triển thị trường giao dịch hàng hóa để Việt Nam kết nối gần hơn với thị trường hàng hóa thế giới. Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng mà DN hai nước có thể mở rộng hợp tác.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, kinh tế Hoa Kỳ hồi phục mạnh trong quý III/2020 do nền kinh tế mở cửa trở lại. Mặc dù thu nhập của người dân giảm, nhưng chi tiêu, tiêu dùng vẫn tăng, điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tốt.

Ông Bùi Huy Sơn dự báo, năm 2021, kinh tế Hoa Kỳ sẽ hồi phục mạnh mẽ và là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu thị trường sẽ cạnh tranh hơn, chú tâm tới các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể được phía Hoa Kỳ nhấn mạnh hơn.

Bạn nghĩ sao?