Mỹ Phương - 08:58 - 07/05/2020
 
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, trong 4 tháng năm 2020 doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn giảm mạnh do người dân hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, cơ cấu tiêu dùng của người dân thay đổi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm...
173334-thanh-pho-ho-chi-minh-saigon-co-op-giam-gia-thuc-pham-ho-tro-nong-dan-va-nguoi-tieu-dung

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: TTXVN 

Thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng năm 2020 đạt 387.568 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 đạt 68.457 tỷ đồng, giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 34,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, trong tháng 4/2020 có những ngày Lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm 45 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), nhưng doanh thu từ thương mại, dịch vụ vẫn không có sự thay đổi đáng kể như các năm trước. Trong tháng này, chỉ có một điểm sáng đáng khích lệ là sự phát triển của những hoạt động giao dịch thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống... chủ động triển khai đa dạng chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua kênh điện thoại, đặt hàng qua website, apps... Các đơn vị kinh doanh cũng đẩy mạnh chính sách hỗ trợ giao hàng đến tận tay người tiêu dùng hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng góp phần giúp đơn vị kinh doanh cải thiện được doanh thu trong tình hình sức mua trên thị trường sụt giảm do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Song song đó, đây cũng là thời điểm mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, nhà bán lẻ tái cơ cấu lại khâu quản trị doanh nghiệp, tổ chức kênh phân phối, tiếp thị hàng hóa đa kênh...

Đơn cử, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều điểm bán lẻ thuộc Saigon Co.op nhận được đơn đơn đặt hàng qua điện thoại và zalo dồn dập. Nhờ đó, doanh số của hệ thống siêu thị này đã tăng trung bình hơn 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Điều này, cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu quen với dịch vụ mua sắm trực tuyến của siêu thị triển khai trong thời gian qua.

Còn đại diện Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, Vissan đã hợp tác với Sendo - một trong những trang thương mại điện tử lớn và uy tín tại Việt Nam để phân phối sản phẩm đến với khách hàng qua kênh thương mại điện tử. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn mua sắm với hơn 300 sản phẩm của VISSAN, gồm thực phẩm tươi sống (thịt lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP, thịt heo thảo mộc, thịt bò Úc), thực phẩm chế biến (xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội) và gia vị (hạt nêm) trên Sendo dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch.

Các nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh dự báo, trong thời gian tới nếu diễn biến mới của dịch COVID-19 theo xu hướng tích cực và người dân trở lại đời sống sinh hoạt bình thường thì có thể thị trường tiêu dùng sẽ phục hồi và hàng hóa sẽ ổn định cả về chất lượng, giá cả, cũng như nguồn cung. Còn với thị trường tiêu dùng phức tạp như hiện nay, người dân cần thận trọng trong việc lựa chọn hàng hóa, kênh mua sắm và phương thức mua sắm tiện lợi nhưng đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.

Đặc biệt, đối với kênh thương mại điện tử và phương thức mua sắm trực tuyến như qua điện thoại, mạng xã hội, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt... người tiêu dùng nên ưu tiên những thương hiệu, nhà bán lẻ uy tín để nhận được chất lượng phục vụ tốt, nhất là phát sinh trường hợp đổi trả hàng hóa. Đồng thời, người tiêu dùng nên hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong mua sắm và tiêu dùng hàng hóa nội địa, cũng như nhập khẩu.

Ghi nhận thực tế tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tiên học sinh, sinh viên, người lao động bắt đầu trở lại trường học và làm việc bình thường cho thấy, nhiều hàng quán thương mại, dịch vụ cũng đã bán buôn, kinh doanh nhộn nhịp. Người dân thành phố cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những món điểm tâm sáng, quán ăn trưa, nhất là những chuỗi cà phê, thức ăn nhanh... đã mở cửa hoạt động trở lại với khung giờ bình thường.

Chị Mỹ Trang, nhân viên văn phòng quận 1 cho biết, thời gian qua không chỉ không có điều kiện hẹn bạn bè, mà việc gặp gỡ đối tác trao đổi công việc cũng bị ảnh hưởng do hàng, quán thương mại, dịch vụ tạm dừng hoạt động. Hiện nay, nhiều điểm kinh doanh đã mở cửa, nhưng người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn những thương hiệu hoặc điểm bán uy tín với mức giá được niêm yết minh bạch.

Cùng quan điểm, anh Thành Toàn, cư ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết, quán phở mà gia đình hay đến dùng điểm tâm sáng đã tăng lên 5.000 - 10.000 đồng/phần. Cụ thể, nếu trước thời điểm dịch COVID-19 thì món phở gia đình ưa chuộng chỉ có 35.000 đồng/phần, nhưng hiện nay đã tăng lên 40.000 đồng/phần. Tương tự, cửa hàng bánh mì gần nhà, nếu trước đây kinh doanh phổ biến 10.000 - 12.000 đồng/sản phẩm, thì hiện tại đã tăng lên 12.000 - 15.000 đồng/sản phẩm.

Lý giải nguyên nhân tăng giá và điều chỉnh mức giá thực đơn món ăn, nhiều đơn vị bán buôn cho rằng, do sức mua trên thị trường vẫn còn yếu, mà chi phí đầu vào như mặt bằng, tiền thuê nhân công... không thể giảm nên bắt buộc phải tăng nhẹ để bù lỗ. Bởi trong thời gian tạm ngưng hoạt động, có đơn vị kinh doanh được giảm chi phí thuê mặt bằng, nhưng cũng có đơn vị kinh doanh không được chủ cho thuê đồng hành và chia sẻ, đặc biệt khi hàng, quán mở cửa hoạt động trở lại thì đơn vị kinh doanh phải trả đủ 100% chi phí mặt bằng.

Trái ngược với hàng, quán thương mại, dịch vụ, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đang triển khai hoạt động khuyến mãi, giảm giá đa dạng mặt hàng lương thực, thực phẩm... để góp phần bình ổn thị trường tiêu dùng. Đơn cử, giá rau củ, quả tại Big C, AEON Mall, VinMart... giảm mạnh với dưa leo baby 500gr có giá 14.000 đồng, mướp hương 14.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 29.000 đồng/kg; ổi lê 16.000 đồng/kg, chuối Dole 30.000 đồng/kg...

Còn những mặt hàng như cá diêu hồng làm sạch có giá bán 64.000 đồng/kg, má đùi gà 43.000 đồng/kg, tôm thẻ 138.000 đồng/kg, mực ống 220.000 đồng/kg... Riêng tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... vẫn đang áp dụng giảm giá mạnh cho 3.400 sản phẩm thiết yếu.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ngành công thương thành phố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và yêu cầu doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bình ổn nói riêng bám sát tình hình cung - cầu hàng hóa theo kế hoạch và giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn. Trong số đó, đối với những mặt hàng thiết yếu phải chủ động tăng khả năng cung ứng và sản xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp bình ổn thị trường đều đã lên phương án sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch thành phố giao. Ngoài ra, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng chủ động chuẩn bị, dự trữ nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất, cung ứng hàng hóa vượt kế hoạch đến hết năm 2020./.

Bạn nghĩ sao?