Nhóm phóng viên - 08:23 - 22/12/2020
 
Trong suốt nhiều tháng vừa qua, tình trạng các xe tải, xe Howo, Dongfeng... chở đất có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải liên tục hoạt động cày nát con đường liên thôn liên xã, gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Ghi nhận thực tế của Phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn vào những ngày giữa tháng 11/2020. Mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe tải cỡ lớn liên tục ra vào chở đất đi tiêu thụ, điển hình là các mang logo của Cường Thịnh và Long Thành, CP Ba Vì, Nghĩa Hằng, SU, Gạch… Các xe tải tấp nập di chuyển vào ăn đất tại một dự án trên địa phận xóm Đá Bạc xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau khi chất đầy đất và phủ bạt một cách sơ sài, các xe tải nặng nề di chuyển từ công trường dự án ra đường D4 và D1 qua các xóm Đá Bạc, xóm 23/9, xóm Điếm Tổng,… vốn là đường liên xã để đi ra đường mòn Hồ Chí Minh, QL21A.

1

Các xe siêu trường siêu trọng hoạt động trên tuyến đường qua các xóm Điếm Tổng, xóm Đá Bạc, xóm 23/9 thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Bằng cảm quan, dễ dàng nhận thấy tình trạng đất đá rơi vãi từ quá trình vận chuyển, đường bê tông xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân ven đường khổ sở, ngày nắng phải tìm cách chống chọi với bão bụi, ngày mưa thì bùn bẩn sình lầy trơn trượt. Đáng lo ngại hơn, buổi tối các tài xế điều khiển xe tải chạy với tốc độ rất nhanh. Mỗi khi đoàn xe tải đi qua, đất đá cát sỏi văng tứ tung, bụi mù mịt cả một đoạn đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người.

Theo ghi nhận, phần lớn nhất là các xe có tải trọng trên 30 tấn luôn trong tình trạng chở có nóc, có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá khổ, quá tải. Con đường liên thôn, liên xã vốn đã rất nhỏ nay lại đang phải phải oằn mình gánh chịu dòng xe siêu trường, siêu trọng lấn hết 3/4 phần đường, rất nguy hiểm cho người dân và các phương tiện khác lưu thông trên tuyến.

2

Xe tải khiến con đường bụi mù mịt

Trao đổi với Phóng viên, ông L.T.D người dân xóm 23/9 cho biết: “Họ chở kinh lắm, cứ chạy uỳnh uỳnh mà rơi vãi, bẩn. Nhân dân cũng kêu ác lắm nhưng chúng nó cứ tiền nong là lại xong hết. Cũng có bơm nước nhưng mà không đỡ được. Công an vẫn thỉnh thoảng hay đứng ở trên đầu dốc này bắt phạt đấy”.

Chỉ vào các xe siêu trường siêu trọng đang hoạt động qua địa phận xóm Đá Bạc, nhiều người dân (yêu cầu dấu tên) tỏ ra rất bức xúc: “Chỉ khổ người dân, toàn xe to đi bẩn hết, hỏng hết đường! Đường này là có giới hạn trọng tải thôi, nhưng đấy, xe mấy chục tấn chạy ròng rã như thế. Đấy đi nặng quá vỡ cả ống nước nhà dân. Có lúc nó nối đuôi nhau rồng rắn 30 chiếc luôn. Nói chung là nát hết đường ảnh hưởng cả cuộc sống, môi trường. Mỗi khi xe chạy qua là không thể ngủ nổi”.

3

Người dân xóm Đá Bạc chỉ vào đoàn xe siêu trường siêu trọng và bức xúc phản ánh đến Phóng viên

“Đây là của bộ đội bán, thế mới khổ. Đấy là đất của quốc phòng, của đặc công, nó mua vừa rồi nó đền bù cho các hộ có đất trên ấy đền bù xong bây giờ họ múc bán. Hôm trước thấy có cán bộ lên được 1 ngày, cấm được một ngày rồi xong hôm sau lại thấy tiếp tục chạy” một người dân xóm Đá Bạc cho hay.

Trao đổi với Phóng viên trước sự việc này, ông Bùi Viết Thường – Phó chủ tịch UBND xã Liên Sơn cho biết đây không phải dự án tận thu khoáng sản mà là Dự án Thao trường huấn luyện của Trường Sỹ quan Đặc công, là dự án của An ninh quốc phòng. Chủ đầu tư dự án là Trường Sỹ quan Đặc công có làm thủ tục xin vận chuyển đất dư thừa ra khỏi địa bàn: “Cái này thì không phải người ta tận thu khoáng sản, Đây là dự án Thao trường huấn luyện của Trường Sỹ quan Đặc công thuộc dự án An ninh quốc phòng người ta xây thao trường. Có khối lượng đất dư thừa thì đã làm các thủ tục xin vận chuyển đất dư thừa ấy ra khỏi địa bàn, ra nhà trường để thi công cái khu của nhà trường, các công trình của nhà trường. Còn khi đã vận chuyển ra khỏi địa bàn thì mình cũng không quan tâm lắm, ra ngoài rồi thì người ta làm gì mình không biết. Trong khi thi công thao trường người ta chỉ xin vận chuyển đi, và việc xin chuyển đi đã được tỉnh cấp phép. Còn tải trọng thì phải do CSGT người ta cân chứ xã không biết được” ông Nguyễn Viết Thường cho hay.

4

Ông Bùi Viết Thường – Phó chủ tịch UBND xã Liên Sơn trao đổi với Phóng viên

“Việc vận chuyển làm hỏng đường và bụi là có, mưa mà tưới nhiều quá thì lại thành bùn, không tưới thì bụi. Thời gian vừa rồi thi công là khô nắng quá chở đất nó bụi, thứ hai là xe nó to quá, mình cũng có ý kiến yêu cầu anh em tổ công tác lập biên bản, mời nhà thầu làm cam kết” ông Thường khẳng định với Phóng viên.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Các xe tải nói trên đang khai thác vận chuyển đất từ Dự án Trường bắn và thao trường huấn luyện do Trường Sỹ quan Đặc Công làm chủ đầu tư và thuộc đất quốc phòng. Nhà thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần xây dựng dịch vụ nhà Hà Nội. Dự án này được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép tại giấy phép khai thác đất san, lấp số 31/GP-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020, và được gia hạn thêm thời gian khai thác vào ngày 29/10/2020 với cái tên: “Giấy phép khai thác đất san lấp công trình cải tạo mặt bằng khi thực hiện thi công Trường bắn, thao trường huấn luyện của Trường Sỹ quan Đặc công tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Chiếu theo nội dung giấy phép của dự án thì chỉ cho phép nhà thầu khai thác đất san, lấp phục vụ việc thi công trường bắn, thao trường huấn luyện với mức sâu chỉ từ 0,5mét đến 3,5mét. Khối lượng khai thác theo giấy phép chỉ hơn 11 nghìn mét khối. Đặc biệt, Giấy phép này không hề nhắc đến phương án vận chuyển đất ra khỏi phạm vi dự án phục vụ mục đích khác, đồng thời cũng không hề có nội dung nào nhắc đến việc có được phép bán đất quốc phòng hay không?!

5

Giấy phép khai thác đất san lấp của dự án chỉ cho phép khai thác vận chuyển, không cho phép bán đất quốc phòng.

Ở một diễn biến khác, khi vào vai nhân viên của một công trình đang cần mua đất san lấp, Nhóm PV đã được một người đàn ông tự giới thiệu là có quen biết với phía nhà thầu khai thác và nhiệt tình chào hàng, bán đất tại nơi khai thác với giá là 20 nghìn đồng trên một mét khối đất. Đồng thời cho biết chất lượng đất tại mỏ xã Liên Sơn cực tốt và khẳng định tại mỏ đất này muốn lấy bao nhiêu cũng có, đặc biệt là xe to cũng có thể chạy thoải mái?!

6

Tiếp cận công trường khai thác là cảnh luôn có hai máy xúc cỡ lớn hoạt động hết công suất cùng hàng chục xe tải lớn nhỏ túc chực chờ đến lượt vào“ăn đất”.

Trước hoạt động khai thác vận chuyển rầm rộ tại đây, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và cơ quan chức năng địa phương trước tình trạng các xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải hoành hành gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân? Cùng với đó, cần làm rõ nguồn lợi khổng lồ từ việc khai thác và bán thu lợi từ đất quốc phòng có đang bị thất thoát hay không? Chủ đầu tư dự án là Trường Sỹ quan Đặc công có vai trò và trách nhiệm như thế nào trước sự việc này? Kể cả trong trường hợp dự án này được cấp phép để “bán đất quốc phòng” như hiện trạng thì nguồn lợi thu được từ việc này là bao nhiêu và được sử dụng vào mục đích gì?

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin trong các phóng sự tiếp theo!./

Bạn nghĩ sao?