Chi Mai - 08:46 - 07/04/2021
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tăng vốn điều lệ thêm gần 587 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 2074/NHNN-TTGSNH ngày 30/3/2021 chấp thuận việc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tăng vốn điều lệ thêm 586.627.865.600 đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017-2019. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vẫn đang giao dịch ở sàn UPCoM với mã VBB. Ngày 30/07/2019 là ngày đầu tiên cổ phiếu VBB của Vietbank giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 15,000 đ/cổ phiếu. Giá giao dịch cuối phiên 2/4 là 14.200 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ sau chuỗi thời gian “nằm im” ở mức hơn 13.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau khi thực hiện các thủ tục liên quan để hoàn tất việc tăng vốn, vốn điều lệ của Vietbank sẽ đạt 4.776.826.905.600 đồng. Đây là phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị Vietbank đã thông qua tại Nghị quyết số 01/2020/NQ-ĐHĐCĐ ngày 25/5/2020 và Nghị quyết số 77/NQ-HĐQT ngày 23/11/2020.

vietbank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vẫn đang giao dịch ở sàn UPCoM với mã VBB 

Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Vietbank nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi Vietbank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II. Thêm vốn, Vietbank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.

Vietbank được thành lập vào tháng 12/2006 bao gồm những cổ đông là Ngân hàng Á Châu, Công ty Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, Công ty TNHH Xây Dựng Thương Mại Diệu Hiền... với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Đến năm 2010 nhà băng này tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng bằng mức vốn pháp định. Trong 10 năm nay vốn điều lệ trong xu hướng tăng nhưng con số không nhiều.

Về kết quả kinh doanh, năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 35%, do đó, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2020 giảm 34% và 32%, còn gần 403 tỷ đồng và gần 319 tỷ đồng. Vietbank chỉ thực hiện được 66% so với kế hoạch 613 tỷ đồng lãi trước thuế của cả năm 2020.

Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 91.505 tỷ đồng tăng 33%; tổng huy động đạt 69.530 tỷ đồng tăng 34%; tổng dư nợ đạt gần 50.000 tỷ đồng tăng 20%; tổng số lượng khách hàng tăng 42%.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2020 tăng 46% so với đầu năm, lên mức gần 785 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 8%, nợ có khả năng mất vốn tăng 69%, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1.32% lên 1.75%.

Năm 2021, Vietbank định hướng tăng tốc 30%, tăng trưởng quy mô, đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng trong mùa Covid-19 đồng thời tập trung đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển.

Bạn nghĩ sao?