Triệu Hồ - 09:56 - 19/03/2021
 
Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thế giới thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), vừa ký hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.

Cụ thể, mới đây Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Kim Anh- đã thay mặt nước CHXHCN Việt Nam vừa ký với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD cho Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp. Tổng hỗ trợ tài chính từ Quỹ khí hậu xanh (GCF) - ủy thác qua Ngân hàng Thế giới- bao gồm một khoản bảo lãnh trị giá 75 triệu USD.

vien tro

 Các dự án tiết kiệm năng lượng được chú trọng phát triển

Khoản viện trợ không hoàn lại nói trên sẽ dành 8,3 triệu USD để tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân trong quá trình thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Hợp phần này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan để cải tiến chính sách, quy định và tạo lập một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng. Thông qua hỗ trợ giảm rủi ro cho vay, quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại cho phép các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng được vay theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản đảm bảo thấp.

“Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”. “Trong bối cảnh nguồn tài chính công cho năng lượng còn hạn chế, quỹ chia sẻ rủi ro là một công cụ tài chính sáng tạo để huy động tài chính từ khu vực tư nhân cho đầu tư nhằm tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp.” bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Khoản viện trợ không hoàn lại và khoản bảo lãnh nói trên được sử dụng để hỗ trợ thực hiện Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như các mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Là một quốc gia có cường độ năng lượng và cường độ phát thải thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, Việt Nam đang bắt đầu tích cực chuyển đổi sang năng lượng xanh và  phát triển phát thải các bon thấp.

Nghiên cứu về phát thải các bon thấp của Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 11 GW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng. Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2011-2015, tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước đã đạt được mục tiêu tiết kiệm 5% - 8%, tương đương với việc tiết kiệm khoảng 11 - 17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng).

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 8% - 10%. Để có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương đã khẳng định việc phải xây dựng và ban hành các chính sách, quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của nền kinh tế là rất cấp thiết trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện hàng năm bằng 1,5 - 1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP (số liệu năm 2019). Bên cạnh đó, cường độ năng lượng (lượng năng lượng cần sử dụng trên một đơn vị GDP) đang cao gấp 5 lần so với các quốc gia phát triển (như Nhật Bản, châu Âu) và cao hơn các nước ASEAN (như Thái Lan) khoảng 20% - 30%. Trong khi, lĩnh vực công nghiệp bao gồm các ngành có mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu chiếm gần 50% tổng nhu cầu  năng lượng quốc gia, theo đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện năng suất và hiệu quả năng lượng. Ví dụ như ngành xi măng (27%), giấy và bột giấy (14%), thép (20%) và dệt may khoảng 20%.

Trong thực tế, hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp. Những giải pháp này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của tập đoàn đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%. Chính vì vậy, đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Phải thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng trong một nền kinh tế thông minh, công nghệ hiện đại áp dụng vào cả sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu chi phí.

Bạn nghĩ sao?