Thùy Linh - 08:16 - 14/07/2021
 
Việc sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến trong việc Việt Nam chủ động các phương tiện, thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19. Máy do nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng VMED Group chế tạo để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 giai đoạn 3 đã được Bộ Y tế cấp phép.

Vừa qua, tại Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group công bố sản xuất thành công máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.

Bộ trưởng hy vọng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.

GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam nhận định việc chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến mà lẽ ra cần làm từ rất lâu rồi. “Trong dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao. Việc tạo ra một thiết bị y tế ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhân. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích".

Anh 2

 Máy cung cấp lượng khí oxy y tế cao tới 60 lít/ phút, hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 giai đoạn 3

Ông Trịnh Đức Nam - Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Việc chủ động sản xuất các trang thiết bị y tế trong nước để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 là hết sức quan trọng và cần thiết. Sau khi đưa vào sử dụng, các bên liên quan sẽ tiếp tục đánh giá và đưa ra những cải tiến mới để hỗ trợ tối đa cho công tác phòng chống dịch.

Cuối tháng 5/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group đã hợp tác triển khai Dự án nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Toàn bộ chi phí sản xuất lô sản phẩm đầu tiên của dự án được sự tài trợ từ Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

PGS.TS Vũ Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Điện tử y sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên chính nhóm nghiên cứu cho biết, do nhu cầu sử dụng máy trong nước ngày một tăng cao, nên nhóm được chỉ đạo gấp rút nghiên cứu đưa ra sản phẩm. Từng nghiên cứu dòng máy thở từ trước, nhóm nghiên cứu không gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nên chỉ sau 2 tuần, sản phẩm thử nghiệm đầu tiên được hoàn thiện. Máy được chuyển đến các đơn vị đánh giá tiêu chuẩn cũng như các thông số kỹ thuật. "Chúng tôi đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành để có thể sản xuất số lượng lớn", PGS.TS Vũ Duy Hải nói.

Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Vào giai đoạn 2 của dự án, phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.

Anh 3

Máy oxy dòng cao giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng

Hiện nay, việc vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Giải pháp này đặc biệt cần thiết cho các bệnh viện dã chiến.

Hiện công nghệ được chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất mở rộng và được phép thương mại, với giá 50 triệu đồng/máy (bằng 1/2 so với giá của sản phẩm nhập ngoại). PGS.TS Vũ Duy Hải cho biết, nhóm tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp cải tiến sản phẩm. Hiện nhóm nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tổ chức và cá nhân mua tặng cho vùng tâm dịch, trong đó Bộ Y tế đề nghị sản xuất thêm 100 máy oxy dòng cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế.

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

PGS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Trong đợt dịch COVID-19, HFNC có vai trò vô cùng quan trọng với nhóm bệnh nhân nặng, giúp bệnh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển. Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng.”

"Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, 60 - 70% bệnh nhân mắc COVID-19 được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở", PGS Nguyễn Văn Chi cho biết thêm.

Bạn nghĩ sao?