Minh Hoàng - 08:30 - 30/10/2020
 
Với diễn biến thị trường thời điểm này, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
1

 Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Sáng 21/10, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu COVID-19.”

Đây là sự kiện nhằm cùng với cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư… đi tìm điểm tựa, điểm sáng và các giải pháp linh hoạt để ứng phó kịp thời với những biến động của dịch bệnh, gỡ nút thắt cho thị trường chứng khoán Việt trong thời gian tới.

Theo bà Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2020 là một năm đầy biến động đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt, VN-Index giảm tới 33% trong quý 1 năm 2020. Tuy nhiên, sau đó thị trường phục hồi rất nhanh và mạnh.

Nếu so sánh với khu vực và thế giới thì sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam là rất tích cực. Thị trường đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm và vốn hóa thị trường hiện đạt 71,3% GDP.

Tại Toạ đàm, ông Vũ Kim Thành - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho biết, từ khoảng cuối năm 2019 tới nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, TTCK toàn cầu quý I/2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy. Tại Việt Nam, TTCK cũng sụt giảm sâu trong quý I/2020, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ trong quý II.

Có thể nói, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất trên thế giới sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.Thế nhưng, hiện nay, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và việc kiểm soát dịch Covid-19 vẫn chưa thể đoán định. TTCK dự kiến sẽ có nhiều biến động lớn trong thời gian tới, ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có những điểm khác biệt và ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại và thị trường thế giới. Trong đó phải kể đến "sự góp mặt" trong quan điểm chung của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là sự tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp “thô bạo” vào thị trường.

Thị trường chứng khoán đang được điều hành theo hướng phát triển bền vững. Luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2020 và sẽ được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững, bà Bình nhận định.

Còn chuyên gia Lê Đức Khánh cho biết, theo số liệu thống kê về nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II/2020 đến nay đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 300.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn gần đây vẫn quá thấp.

Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp đã đẩy nguồn vốn lớn trong hệ thống ngân hàng tìm sang kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán. So với rất nhiều nước trên thế giới, số lượng nhà đầu tư mới đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam được gia tăng rất nhiều.

Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E khoảng 16. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...) nhóm thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...

Với diễn biến thị trường thời điểm này, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Thị trường chứng khoán sẽ sớm quay lại mốc 990 – 1000 điểm trong cuối năm 2020, ông Khánh nhận định.

Bạn nghĩ sao?