PV - 09:26 - 27/02/2021
 
Năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2019 vì tác động của đại dịch COVID-19. Trong đó, vốn thực hiện đạt 19,9 tỷ USD.

Trong năm 2020, dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước năm 2020 là TP.HCM với 4,4 tỷ USD. Xếp thứ hai là Bạc Liêu với 4 tỷ USD.

Sau TP HCM là tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu vươn lên vị trí thứ 2 với dự án FDI lớn nhất cả nước năm qua, đó là Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) với số vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Các tỉnh, thành khác thu hút được từ 1 tỷ USD vốn FDI theo thứ tự là Hà Nội (3,6 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (2,2 tỷ USD), Bình Dương (1,9 tỷ USD), Hải Phòng (1,5 tỷ USD).

thu hut fdi

 Tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu vươn lên vị trí thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn FDI

4 tỉnh còn lại trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI, gồm: Đồng Nai (928 triệu USD), Bắc Ninh (901 triệu USD), Bắc Giang (894 triệu USD), Long An (810 triệu USD).

Theo cơ cấu ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành điểm sáng khi thu hút 13,6 tỷ USD, gần 50% tổng vốn FDI năm qua. Những ngành, nghề xếp phía sau gồm sản xuất, phân phối điện, khí (5,1 tỷ USD), kinh doanh bất động sản (4,2 tỷ USD), bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe (1,6 tỷ USD), khoa học công nghệ (1,3 tỷ USD), vận tải kho bãi (611 triệu USD), xây dựng (559 triệu USD).

Trong nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam 2020, Singapore dẫn đầu với 9 tỷ USD, chiếm 32%. Tiếp theo là Hàn Quốc (3,9 tỷ USD), Trung Quốc (2,5 tỷ USD), Nhật Bản (2,4 tỷ USD), Đài Loan (2,1 tỷ USD), Hong Kong (2 tỷ USD), Thái Lan (1,8 tỷ USD).

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, Việt Nam có tổng cộng hơn 33.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD và tổng vốn thực hiện 232 tỷ USD. Ba quốc gia đứng đầu về số vốn FDI đầu tư lũy kế vào Việt Nam là Hàn Quốc (70,6 tỷ USD), Nhật Bản (60,3 tỷ USD), Singapore (56,6 tỷ USD).TP.HCM là địa phương thu hút FDI nhiều nhất với tổng số vốn lũy kế 48,2 tỷ USD. Các địa phương khác trong top 5 gồm Hà Nội (35,9 tỷ USD), Bình Dương (35,5 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (32,7 tỷ USD), Đồng Nai (32 tỷ USD).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn FDI

Năm 2020 có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%.

Bên cạnh đó, còn có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.

thu hut

Ảnh minh họa

Mặc dù, chịu ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình thu hút FDI của Việt Nam, song vốn thực hiện của các dự án này vẫn đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án. Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiều đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18%; sau đó lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký tương ứng gần 4,2 tỷ USD và trên 1,6 tỷ USD…

Bạn nghĩ sao?