PV - 08:46 - 07/04/2021
 
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được thành lập theo Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Tại đây được tổ chức thành các khu chức năng: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.

Khu kinh tế có diện tích 1.600 ha này với mục tiêu xây dựng TP. Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới, việc thành lập khu kinh tế này kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung và TP. Hà Tiên nói riêng.

Cửa khẩu Hà Tiên sẽ khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch theo hướng liên kết với các vùng trong tỉnh, khu vực, mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp để phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới.

ha tien

Cửa khẩu Hà Tiên

Tỉnh Kiên Giang hy vọng, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực biên giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Tạo ra một vị thế mới để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang.

Từ khu kinh tế này, sẽ hình thành các khu đô thị, khu dân cư, thương mại tập trung dọc biên giới, theo hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề để TP. Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2025.

ha tien 2

Một góc thành phố Hà Tiên

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, như: Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi về tín dụng đầu tư…

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Kiên Giang, mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2030 là: Tốc độ phát triển kinh tế 8%/năm; cơ cấu kinh tế (GRDP) nông - lâm - thủy sản 8-10%, công nghiệp - xây dựng 17-19%, thương mại - dịch vụ 72-75%; GRDP (giá hiện hành) bình quân đầu người 9.500 - 10.000 USD; kim ngạch xuất - nhập khẩu đến năm 2030 đạt trên 400 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển bình quân trên 2.500 tỷ đồng/năm.22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm (GRDP) của Kiên Giang đạt 32.458,91 tỷ đồng, tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2019. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 36,5%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 19,59%, khu vực dịch vụ chiếm 41,27%; thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm chiếm 3,63%.

Theo công bố của VCCI, năm 2019 chỉ số CPI của tỉnh được 64,99 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh thành (nhóm khá), giảm 4 bậc so với năm 2018 (năm 2018 xếp thứ 31(nhóm khá), với số điểm là 63,65) và đứng thứ 7/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, sau Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang.

Bạn nghĩ sao?