Mai Ngọc - 19:17 - 11/03/2021
 
Tại Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP HCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản diễn ra ngày 27/2 với những nội dung chính xoay quanh việc ghi nhận các vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ. Sở Xây dựng TP HCM cho biết trên địa bàn TP HCM còn 61 dự án đang bế tắc.

Đối thoại giữa UBND TP HCM với đại diện doanh nghiệp bất động sản do UBND TP HCM tổ chức ngày 27/2 nhằm trao đổi, thống nhất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố, qua đó góp phần để thị trường bất động sản thành phố phát triển lành mạnh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), hiện vẫn còn nhiều dự án vướng mắc chưa được giải quyết như; dự án chung cư Cô Giang (Quận 1), dự án 151-155 Bến Vân Đồn, 7 dự án tại quận Phú Nhuận; dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh của Tập đoàn Novaland; dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành; dự án 44,49ha (tên thương mại là Dragon City) và dự án ngầm hoá đường điện cao thế 220kV Nhà Bè-Tao Đàn của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long…

TP HCM go kho cho doanh n

Lãnh đạo TPHCM tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã đề xuất đến lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố một số vấn đề còn vướng mắc liên quan đến quá trình đầu tư, triển khai, phát triển dự án nhà ở.

Qua rà soát 61 dự án nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch – Đầu tư để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư năm 2014 và Sở Xây dựng là cơ quan tham gia góp ý kiến. Tuy nhiên, có 2 dự án bị trùng, 3 trường hợp không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư và 1 đã chuyển tổ công tác đầu tư xử lý. Như vậy chỉ còn 56 hồ sơ.

Trong số này có 17 dự án đã trình báo cáo thẩm định đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, 18 dự án chưa nhận được ý kiến của các sở ngành, 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và 1 dự án nhà đầu tư đã rút hồ sơ.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành văn bản hướng dẫn xử lý đối với phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư theo hướng không thông qua đấu giá, đấu thầu nhưng phải xác định giá đất cụ thể đối với phần diện tích đất là đất rạch, kênh mương nội đồng, đường, bờ đất… có hình dáng bất định hình hoặc không có "số thửa đất" đăng ký.

tp hcm go kho dn bds

Ảnh minh họa

Đối với phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập, HoREA kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp cùng với các sở ngành liên quan xem xét từng trường hợp dự án cụ thể, đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành quyết định thu hồi đất và quy định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời hạn 90 ngày.

Về quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở, đại diện HoREA đề xuất việc có thể tích hợp theo phương thức thực hiện song song và một số thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét chỉ đạo "ưu tiên" giải quyết cấp "sổ hồng" trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung, HoREA đề nghị tách ra xử lý riêng, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp "sổ hồng" trước cho khách hàng.

Cùng với đó, HoREA cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

"Ủy ban Nhân dân Thành phố sớm thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc thành phố để giải quyết kịp thời các hồ sơ đầu tư xây dựng, nhất là các hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua," đại diện HoREA đề xuất.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: TP hiểu và biết những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt. Trong đó, không chỉ có các khó khăn đến từ phía TP, mà còn có các vướng mắc đến từ trung ương.

Vì vậy, chủ tịch UBND TP cho rằng: Các sở, ban, ngành cùng phải đồng hành và tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu không phải quyết kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp, sẽ tác động đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.

“Trách nhiệm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản là trách nhiệm của UBND TP. Việc giúp cho doanh nghiệp bất động sản chính là giúp cho TP. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản tức tìm ra giải pháp thúc đẩy kinh tế TP”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thành phố đang có khoảng 10.200 doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng; trong đó chiếm 32% số lượng là doanh nghiệp kinh doanh bất động và chiếm 33-35% về nguồn vốn. Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản không đạt mức tăng trưởng.

Đối với các kiến nghị của HoREA cũng như các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Hòa Bình nhanh chóng sắp xếp lịch làm việc với lãnh đạo các Sở thuộc khối đô thị và lãnh đạo HoREA để ra kết luận giải quyết từng vụ việc, báo cáo thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Đối với vướng mắc tại 61 dự án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Thành phố và các sở ngành trong thẩm quyền khẩn trương giải quyết trước ngày 15/4/2021.

Trước mắt Thành phố sẽ cùng HoREA tháo gỡ những dự án đang gặp vướng mắc cũng như cung cấp thông tin đầy đủ để HoREA thông tin lại cho các thành viên có thể tham gia vào các chương trình nhà ở của Thành phố.

                                                                                                                                                          

Bạn nghĩ sao?