Tuyết Mai - 10:27 - 24/03/2021
 
Ở Việt Nam, tiền ảo nói chung và các loại tiền như: Bitcoin, Litecoin... nói riêng chưa được công nhận, đặc biệt không được chấp nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia tài chính, cụm từ “tiền ảo” vẫn xuất hiện ngày càng nhiều và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thị trường tiền ảo…

Hiện nay, trên thế giới có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành. Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân tham gia mua bán, đầu tư, nổi bật nhất là bitcoin. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi-bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đáng chú ý, xuất hiện nhiều trường hợp như Lion Group - huy động vốn để đầu tư trong lĩnh vực ngoại hối tại sàn FX Trading Markets với lãi suất cam kết lên tới 1% ngày, 288%/năm, theo phương thức đa cấp (4 cấp). Hiện nay, đã có gần 40.000 người tham gia nhưng khoảng một tháng gần đây thì sàn này đã không cho nhà đầu tư rút tiền. Theo quảng cáo, chỉ cần tham gia khoản tiền tối thiểu 1.000 USD, "nhà đầu tư" không cần làm gì cũng có thể giàu lên nhanh chóng.

Bitcoin được biết đến là đồng tiền ảo, không được phát hành hay nằm dưới sự quản lý của một ngân hàng trung ương. Nó là loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp dựa trên mã nguồn mở, do một hệ thống máy vi tính ngân hàng vận hành. Hệ thống này sử dụng một chương trình đặc biệt để ngăn chặn người sở hữu Bitcoin tiêu cùng một đồng tiền nhiều lần khác nhau. Người sở hữu Bitcoin có thể mua bán đồng tiền này hoặc chuyển trực tiếp sang người khác trên Internet thông qua phần mềm tương thích.

Để sử dụng và trao đổi Bitcoin, người ta dùng một phần mềm tại Bitcoin.org hoạt động như "tài khoản ngân hàng”. Nó lưu trữ một mã số bí mật trên máy của người dùng, và mã này cho phép giao dịch từ "tài khoản ngân hàng” của chủ sở hữu. Thuật ngữ của Bitcoin gọi phần mềm này là "ví tiền” (wallet), khả năng hoạt động giao dịch mạnh và dễ dàng như gửi email. Người dùng không cần đăng ký, không cần tên, địa chỉ, số chứng minh hay mã số thuế…, không một bất kì thông tin cá nhân nào.

tien ao 1

Nhiều rủi ro, nguy cơ và hệ lụy khi sử dụng đồng tiền ảo tại Việt Nam

Thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều hình thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới, các loại tài sản mới… Một trong những sáng tạo nổi bật của cuộc cách mạng này là sự ra đời của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa – crypto currency).

Sự xuất hiện của các loại tiền ảo này đang được cả thế giới quan tâm và bình luận, đặc biệt là trong năm 2017, khi mà giá của Bitcoin và các đồng tiền ảo khác tăng một cách chóng mặt và thay đổi không ngừng. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hoạt động phát hành, lưu trữ, đào, giao dịch, đầu tư… tiền ảo diễn ra sôi động và đa dạng; thu hút số lượng lớn người tham gia.

Các hoạt động tiền ảo tự phát, mang lại những thách thức không nhỏ cho các nhà nghiên cứu, ban hành và áp dụng pháp luật. Một câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người quan tâm là pháp luật Việt Nam điều chỉnh vấn đề này như thế nào, các hoạt động liên quan đến tiền ảo có được công nhận ở Việt Nam hay không? Các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liệu đã phù hợp để điều chỉnh vấn đề tiền ảo trên thực tế?

Việt nam chưa công nhận tiền ảo

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ, điều chỉnh đối với tiền ảo và còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra. Đây thực sự là một thách thức đối với các nhà làm luật, những người áp dụng pháp luật ở Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều công việc, biện pháp, cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Cụ thể, do sớm nhận thức những rủi ro, hệ lụy của bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác nên ngay từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức.

Cuối tháng 10/2017, khi tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu "sốt" trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam, NHNN đã tái khẳng định quan điểm rằng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã lập một tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo.

Ngoài việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, tiền ảo cũng không phải là đồng tiền pháp định (hình thức tiền tệ do chính phủ ban hành và được Việt Nam xem là hợp pháp). Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú một lần nữa nhấn mạnh tại buổi họp báo chiều 2/3 : "Tiền ảo không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam".

Biết là chưa được công nhận, vẫn phát triển rầm rầm

Tuy nhiên các dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam vẫn mọc lên như nấm sau mưa, rất nhiều dự án đa cấp tiền ảo đã được Báo Đầu tư phản ánh như: tiền ảo Gem, Vitea, BBO, Win, CBR, Silling, ETM, BKC…

Điểm chung của các dự án này là dụ nhà đầu tư bỏ tiền thật mua một trong những đồng tiền ảo thuộc top 3-top 5 các tiền ảo hàng đầu trên thế giới (thường là Bitcoin, Ethereum, USDT). Sau đó, sử dụng số tiền ảo này để mua tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành (tiền ảo rác). Chiêu thức này khiến các sàn lừa đảo vừa thu về lượng lớn tiền ảo giá trị lớn, có tính thanh khoản cao, vừa để né cơ quan chức năng truy dấu vết dòng tiền (nếu chuyển tiền đầu tư bằng tiền đồng thì sẽ rất dễ bị truy dấu vết, kết tội lừa đảo, chiếm đoạt).

Nhà đầu tư vì ham lãi suất cao, nhắm mắt đổ tiền vào các dự án này theo chỉ dẫn của các “chuyên gia tài chính” tự phong, mà không hề có chứng từ nào. Chính vì vậy, khi mất tiền, họ cũng không có bằng chứng khiếu kiện.

Trường hợp của anh Phan Hoàng N. cho hay, anh bị dụ dỗ tham gia Dự án Skynet 4fx từ cuối năm 2019 và hiện không còn hy vọng lấy lại tiền. Anh được người quen vồn vã giới thiệu tham gia Dự án Skynet 4fx, được quảng cáo là sàn ứng dụng công nghệ AI, blockchain với 6 hệ sinh thái gồm đầu tư, bảo hiểm, game online…

Dự án cho lợi nhuận 18-28%/tháng, riêng gói đầu tư sẽ cho lợi nhuận 8%/ngày (tối đa 200%/tháng), nếu giới thiệu người tham gia, thì được hưởng hoa hồng nhị phân thêm 8% nữa. Dự án sẽ trả tiền lời bằng token do sàn tự tạo ra. Khi hoa hồng hoặc tiền lời đủ 30 USD thì tiền sẽ tự động chuyển về ví và nhà đầu tư có thể rút ra được.

“Tin lời người quen, tôi đã đầu tư 5.000 USD, nhưng mới chỉ rút ra được hơn 2 triệu đồng thì sàn bị đánh sập, liên tục báo lỗi 522, không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc mất sạch tiền. Khi tôi liên hệ thì người quen quay ngoắt 180 độ, chối bỏ trách nhiệm, cho rằng đầu tư là phải chịu rủi ro”, anh N chia sẻ

Nhiều nhà đầu tư tố cáo bị “sập bẫy” khi đầu tư “tiền ảo” do nhóm N.D.L (30 tuổi, ngụ Cần Thơ), N.Q.T (43 tuổi, ngụ TP.HCM) và các đại lý cấp dưới điều hành. Nhóm này đứng ra kêu gọi, mua bán tiền ảo trên sàn giao dịch ngoại hối tại website: mastertradingmarkets.com. Các nhà đầu tư đã mua tiền ảo hàng chục tỉ đồng của nhóm N.D.L, nhưng đến nay website này bị sập khiến tiền của nhà đầu tư không mua bán, không rút ra được.

Cần khung pháp lý rõ ràng hơn

Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, NHNN, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phòng ngừa, kiểm soát các giao dịch, hoạt động tiền ảo, giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tiền ảo đến người dân và xã hội.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo đã có được những khoản lợi nhuận khổng lồ, tuy nhiên, chúng ta lại không hề thu được khoản thuế nào bởi Việt Nam chưa có khung pháp luật về tiền ảo. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này. Tuy nhiên, trước khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện, mỗi người dân khi tham gia vào các hệ thống thanh toán tiền ảo đều phải tự có kiến thức bảo vệ mình.

Giới luật sư cho rằng: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo tại Việt Nam được coi là phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức xử phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng (điểm d, khoản 6 Điều 26 – Nghị định số 88).

Bộ Luật hình sự năm (BLHS) 2015, sửa đổi năm 2017 cũng quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206: Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Mức hình phạt cao nhất được quy định tại Điều 206 – BLHS 2015, sửa đổi năm 2017 có thể lên tới 20 năm tù ( khoản 4 – Điều 206).

Bạn nghĩ sao?