Mai Ngọc - 11:51 - 05/07/2021
 
Theo các chuyên gia dự báo, thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm 2021 sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá do kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường địa ốc tại Việt Nam có những dấu hiệu phục hồi với triển vọng tăng trưởng trong một số lĩnh vực nhất định. Bất động sản (BĐS) công nghiệp tiếp tục nhận được quan tâm và đầu tư. Đặc biệt, giá nhà chung cư có hiện tượng tăng trong áp lực hạn chế về nguồn cung.

Tại Hà Nội, giá chung cư tăng trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tình trạng khan hiếm nguồn cung. Dữ liệu của Savills cho thấy trong quý 1/2021, thị trường có khoảng 3.900 căn hộ mới từ 3 dự án mới, và giai đoạn tiếp theo của 10 dự án được ra mắt, giảm 29% theo quý và 19% theo năm. Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - nhận định, hiện tượng tăng giá vừa qua phản ánh đúng niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh tích cực trong thị trường.

“Các nhà đầu tư, các nhà phát triển BĐS sẽ cạnh tranh hơn về sản phẩm giới thiệu ra thị trường, nhờ đó người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao. Nhờ đó mà thị trường nhà ở tại các địa điểm lân cận cũng sẽ dần phát triển hơn” - ông Matthew Powell cho hay.

BDS 1

Ảnh minh họa

Ở chiều ngược lại, tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ nhanh chóng phục hồi mạnh với khoảng 3.900 căn mở bán, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng lượng tiêu thụ gần 4.000 căn, tăng 98% so với cùng kỳ. Tại các thị trường như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết… nhiều dự án được đầu tư bài bản với nguồn cung dồi dào, sản phẩm đa dạng liên tục nhận được sự quan đặc biệt từ nhà đầu tư với con số ấn tượng. Các dự án tiêu biểu như NovaWorld Phan Thiet, NovaHills Mui Ne, Aqua City… và các dự án khác tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh mang đến cho Tập đoàn Novaland 4.507 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý I/2021, tăng 158% so với cùng kỳ.

Theo ghi nhận của Tổng cục Thuế vào tháng 5/2021, tổng số thuế thu nhập cá nhân 4 tháng đầu năm vẫn đạt 52.358 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ, với sự đóng góp chủ yếu từ các lĩnh vực thương mại điện tử, chứng khoán, kinh doanh bất động sản.

Chuyên gia bất động sản Sử Ngọc Khương cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP Hồ Chí Minh mở bán - chủ yếu ở phân khúc trung cao cấp và cao cấp. Trong khi đó, các tỉnh thành lân cận bao gồm cả Bình Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Với tình trạng thắt chặt kiểm soát y tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh bùng phát. Dù việc thực hiện mục tiêu kép là vừa kiểm soát dịch bệnh và vừa tăng trưởng kinh tế có kết quả, tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

Vì vậy, từ nay đến cuối 2021, các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường bất động sản sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá do nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Mặt khác, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm bất động sản.

Dự báo về thị trường trong những tháng còn lại của năm 2021, ông Sử Ngọc Khương nhận đinh, thị trường BĐS sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.

Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn - những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá BĐS liên tục tăng. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn không thể đại diện cho toàn bộ thị trường BĐS nhà ở, căn hộ trong nước.

Dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường BĐS trong nước. Các chuyên gia đều cho rằng, trong kịch bản thị trường hồi phục, phân khúc BĐS nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây, do người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Về dự báo phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong 6 tháng cuối năm, do ảnh hưởng kéo dài từ 3 đợt dịch trước đến nay khiến phân khúc này vẫn chịu những ảnh hưởng nặng nề, cho dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có được kiểm soát hiệu quả.

Còn về BĐS cao ốc văn phòng, đây là phân khúc nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều năm nay. Khi thị trường hồi phục, với nguồn cung hạn chế về phân khúc hạng A, hạng B tại các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, thị trường hiện nay không có nhiều tòa nhà sẵn sàng để bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng về thị trường BĐS công nghiệp, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn hiện hữu, song theo giới chuyên gia, thị trường vẫn sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến cho việc đầu tư vào BĐS công nghiệp Việt Nam có những hạn chế nhất định, không như kỳ vọng của thị trường.

“Trước đây, chúng ta kỳ vọng rằng BĐS công nghiệp là điểm nóng của thị trường, với điều kiện kinh tế bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, sự bùng phát trở lại của covid-19 tại Việt Nam cũng như các vấn đề thông quan đã trở thành một trở ngại khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi muốn đầu tư vào BĐS công nghiệp Việt Nam. Mặt khác, sự phát triển của phân khúc này còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công, đây chính là yếu tố then chốt giúp BĐS công nghiệp Việt Nam đạt được thuận lợi, giúp các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp” - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - nhận định.

                                                                      

Bạn nghĩ sao?