Xuân Mai - 12:16 - 24/10/2020
 
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối quý 3 năm 2020, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt 4,3 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3,15 lần trong vòng 5 năm qua, tương đương 71% GDP, vượt kế hoạch đề ra là đạt 70% GDP vào năm 2020.
cc3a1ch-c491e1baa7u-tc6b0

 

Tăng trưởng quy mô và chất lượng

Nếu như trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp có mức vốn hóa 1 tỷ USD thì đến nay đã có trên 30 doanh nghiệp có mức vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán. Với quy mô vốn hóa như hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng.

Cùng với đó, suốt thời gian qua, quy mô và thanh khoản của thị trường cổ phiếu thứ cấp cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. Từ mức giao dịch bình quân 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016, thanh khoản bình quân của thị trường cổ phiếu đã tăng lên 5.900 tỷ đồng/phiên tính từ đầu năm đến hết tháng 9 năm 2020, tăng 96,67% so với năm 2016.

Đối với hoạt động niêm yết, thời gian qua, thị trường cổ phiếu đã đón nhận hàng loạt các công ty/tổng công ty có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả cao như Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)... Đến hết tháng 9 năm 2020, thị trường hiện có 744 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.443 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cuối năm 2015.

Đáng chú ý, trong hoạt động huy động vốn, đấu giá, trong giai đoạn 2016 – 2020 (đến hết tháng 9/2020), tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt khoảng 580 nghìn tỷ đồng; số vốn này được huy động thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu (chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ). Trong giai đoạn này, các sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức thành công 335 phiên đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn cho doanh nghiệp nhà nước với tổng giá trị tiền thu được đạt gần 200 nghìn tỷ đồng.

e89e6513ae7b5b6e57801cbfb

 

Sản phẩm chứng khoán ngày càng đa dạng

Thời gian qua, thị trường chứng khoán không chỉ mở rộng về quy mô và đi vào chiều sâu chất lượng, các sản phẩm trên thị trường cũng đang ngày càng đa dạng. Trong đó không thể kể đến chứng khoán phái sinh. Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh đã chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Sau hơn 2 năm hoạt động, sản phẩm Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đã duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định, đồng thời, làm tốt vai trò là kênh phòng vệ rủi ro hiệu quả cho nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm đến hết tháng 9/2020 đã đạt khoảng 170 nghìn hợp đồng/phiên, tăng gấp 15,5 lần so với bình quân năm 2017.

Sau đó, trên đà phát triển của thị trường, sản phẩm Chứng quyền có đảm bảo cùng với Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ đã chính thức được đưa vào giao dịch (lần lượt vào ngày 28/6/2019 và ngày 4/7/2019).

Đặc biệt, đối với trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu chính phủ năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 tiếp tục được tái cơ cấu một cách hiệu quả cả về khối lượng, kỳ hạn và chi phí huy động, góp phần tăng tính bền vững của danh mục nợ Chính phủ trong nước, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của thị trường trái phiếu.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ động điều hành khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, khối lượng trả nợ gốc đến hạn, nhu cầu thu - chi của ngân sách, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý ngân quỹ. Tính đến hết tháng 9/2020, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đạt 223,342 tỷ đồng, bằng 72,26% kế hoạch năm.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, kỳ hạn phát hành bình quân tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 13,21 năm, góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ lên mức 7,86 năm; tăng 0,44 năm so với mức 7,42 năm của năm 2019 và tăng 1,88 năm so với năm 2016. Lãi suất phát hành bình quân từ đầu năm 2020 đến nay giảm từ 0,47-1,1%/năm so với cuối năm 2019 và giảm 3,3-4,5% so với cuối năm 2016, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Từ đó góp phần tăng tính bền vững của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.

Về hệ thống nhà đầu tư, hiện nay cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ đã có sự thay đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nắm giữ của các ngân hàng thương mại và tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2020, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại giảm xuống mức 43,93% (tương đương cuối năm 2019, giảm 11,5% so với cuối năm 2016), tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của nhà đầu tư dài hạn là 56,07% (tương đương cuối năm 2019; tăng 11,5% so với cuối năm 2016).

Bạn nghĩ sao?