07:01 - 10/05/2019
 

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán (CTCK) SSI, dựa trên số liệu công bố của các doanh nghiệp (DN) đang niêm yết đã có 9.103 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trong quý I/2019, tăng hơn 223% so với quý I/2018.

Trong đó, đáng chú ý nhất là 2.318 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Cơ điện lạnh (mã: REE), kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 7%/năm được bảo lãnh bởi CGIF (thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á) và 1.150 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã: CII), kỳ hạn 10 năm với lãi suất cổ định 7,2%/ năm được bảo lãnh bởi GuarantCo – một công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc Tập đoàn PIDG.

Khó phát hành

Tại phiên thảo luận về tài chính – tín dụng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng dù được cho là một giải pháp tích cực để huy động vốn nhưng việc phát hành trái phiếu hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ, cuối năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2019 với nhiều quy định mới nhằm dịch chuyển dần các khoản vay tín dụng ngân hàng, nhất là các khoản vay trung và dài hạn sang kênh trái phiếu.

Theo một chuyên gia tài chính, Nghị định mới tập trung giúp hoạt động phát hành sơ cấp đơn giản hơn, nhưng lại chặn đầu giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu OTC. Điều này có thể đẩy thị trường quay về thời kỳ cũ khi phát hành trái phiếu không khác gì cấp tín dụng vì chỉ có một số lượng nhỏ nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí chỉ một ngân hàng mua trái phiếu này.

Nghị định mới quy định bắt buộc các tổ chức phát hành phải tăng tính công khai, minh bạch ở khâu công bố thông tin. Trong đó, Sở giao dịch chứng khoán sẽ xây dựng một hệ thống cổng thông tin trái phiếu.

Trong khi đó, có tới hơn 96% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên việc công bố thông tin còn hạn chế, quản trị DN còn nhiều vướng mắc, vì vậy việc đáp ứng các yêu cầu để tự phát hành trái phiếu là không dễ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, cho biết việc hình thành kênh trái phiếu cho tất cả DN là kỳ vọng không tưởng.

Ông Quỳnh lý giải thêm, một trong những điểm vướng nhiều nhất hiện nay trong việc phát hành TPDN tại các DN nhỏ và vừa là tính đồng bộ trong các luật và quy định.

Trong đó, quy định 3 năm liền DN không có nợ quá hạn, một DN chỉ có khoản nợ gốc và lãi trong 3 năm là không phát hành được hiện đang được cho là "làm khó" các tổ chức phát hành.

Vì vậy, đại diện của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu cho rằng nên để cơ chế thoáng hơn, do thị trường hoàn toàn quyết định rủi ro, khung giá trái phiếu theo rủi ro đó.

trai-phieu-doanh-nghiep-JPG-3419-1556886

Không phải DN nào phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cũng dễ dàng tiếp cận thông tin

"Thoáng" liệu có ổn?

Hiện nay, các TPDN đều do các tập đoàn hoặc các DN trong hệ thống của tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Novaland… phát hành, trong đó các công ty liên quan đến Vingroup chiếm phần lớn tổng giá trị trái phiếu niêm yết.

Dù đã có quy định về công bố thông tin minh bạch nhưng không phải DN nào phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cũng dễ dàng tiếp cận thông tin về phương án sử dụng vốn của DN hay hiểu đầy đủ mức độ uy tín của các DN này.

Thực tế, đầu tư mua TPDN hay gửi tiết kiệm đều là hoạt động cho vay mang về nguồn thu nhập cố định, tuy nhiên tiền gửi tiết kiệm ổn định và an toàn hơn bởi dòng tiền tại các tổ chức tài chính được phân tán, luân chuyển linh hoạt.

Trong khi đó, việc mua TPDN rủi ro cao hơn và không mấy thu hút được nhà đầu tư, bất chấp việc các tổ chức phát hành thường đẩy lãi suất của trái phiếu cao hơn mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn 2-3%/năm, thậm chí cao hơn để "câu khách".

Nguyên nhân là khi đầu tư vào sản phẩm này, nhà đầu tư phải phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của riêng DN đó, mà kinh doanh có thể thành bại, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Đặc biệt, tính minh bạch của DN từ xưa tới nay vẫn luôn là dấu hỏi đối với thị trường. Có thể lấy ví dụ từ việc muốn vay vốn ngân hàng, hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì DN phải đảm bảo được nguồn trả nợ, con số lợi nhuận phải "đẹp".

Thế nhưng, việc chủ động làm "đẹp" các con số trong nội bộ DN hay báo cáo tài chính để đạt được mục đích vay vốn ngân hàng hay đẩy giá cổ phiếu, sau đó "chây ỳ", mập mờ công bố thông tin là việc không phải hiếm có trên thị trường tài chính, bất chấp nhiều quy định cũng như mức xử phạt đã được ban hành.

Theo đó, việc nới cơ chế cho DN phát hành trái phiếu nhằm tạo ra một kênh huy động vốn hiệu quả, mang đến một cú hích mới cho thị trường chứng khoán là điều cần thiết, nhưng việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư cũng không kém phần quan trọng.

Linh Đan

Bạn nghĩ sao?