Lam Anh - 07:55 - 03/07/2021
 
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, với tổng số tiền phạt 85 triệu đồng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, từ kết quả kiểm tra các công ty nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo Quyết định kiểm tra số 5640/QĐ-BYT, Cục trưởng An toàn thực phẩm đã ban hành 3 Quyết định xử phạt đối với 3 công ty với tổng số tiền phạt là 85 triệu đồng.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm có Quyết định số 17/QĐ-XPVPHC ngày 31/5/2021 xử phạt Công ty Cổ phần BELIE (Tầng 1, số 170 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) 25 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DHC Concentrated Turmeric không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được xác nhận

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm có Quyết định số 24/QĐ-XPVPHC ngày 8/6/2021 xử phạt Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Gia Phú Khang (địa chỉ tại số 22, ngách 121/3/10 Phố Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 35 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LUCIDE và HÍGADO mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

quang cao tpcn

Ảnh minh họa

Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (B17-17 Vinhoms Gadennia, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) 25 triệu đồng vì quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ROCKET TABLET không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 3 công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Trước đó, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, cơ quan này đã tiếp tục tiến hành kiểm tra các công ty quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm theo phản ánh của báo chí, tình trạng xuất hiện một số quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản, niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến.

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;

Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;

Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cũng trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…

Về phía người tiêu dùng, ông Phong khuyến cáo, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.

                                                                                                                                                                                                 

Bạn nghĩ sao?