Thu Trang - 17:15 - 13/04/2021
 
Những năm qua, mặc dù nổi tiếng trong giới bất động sản (BĐS) về những lần thâu tóm quỹ đất vàng, dự án, tại các tỉnh thành trên cả nước, hoạt động M&A diễn ra sôi nổi nhưng trên thực tế, tình hình tài chính của Tập đoàn Novaland không mấy khả quan, các dự án đua nhau bán “lúa non” khi chưa đủ các điều kiện mở bán.

Liên tục huy động vốn khi chưa đủ điều kiện

Gần đây, nhiều dự án lớn Novaland đã liên tục bị “tuýt còi” vì huy động vốn bằng cách đặt  cọc, giữ chỗ tại các dự án chưa đủ điều kiện để huy động vốn như dự án The Grand Manhatan, Nova Hill Mũi Né, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas, The Botanica Phổ Quang hay gần đây nhất là dự án Novaworld Phan Thiết.

Để huy động vốn tại các dự án, Novaland đã đưa ra những lời “quảng cáo” có cánh thu hút giới đầu tư như sở hữu vị trí kim cương đắc địa nhiều tiện ích 5 sao cao cấp, các nhà đầu tư “nhanh tay” để được giữ chỗ, đặt chỗ, đăng kí vị trí... nhưng trên thực tế Sở xây dựng tỉnh Bình Thuận đã liên tục ra văn bản yêu cầu Tập đoàn này chấm dứt các hoạt động kí kết hợp đồng với các công ty mô giới BĐS để chuyển nhượng các giao dịch mua bán.

novaland 7

Dự án The Grand Manhattan vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý IV/2021

Cụ thể, tháng 5/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có văn bản số 1351/SXD-QLN&PTĐT về việc “Chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Tập đoàn Novaland)”. Để hoạt động kinh doanh bất động sản theo đúng quy định pháp luật, văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đề nghị Tập đoàn Novaland: Không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí; đăng tải trên mạng internet các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản tại các dự án này chưa đủ điều kiện giao dịch.

Mặc dù đã có “lệnh cấm” nhưng Tập đoàn Novaland dường như “ngựa quen đường cũ” vẫn tiếp tục mở bán các dự án khi chưa đủ điều kiện.

Ngoài những dự án ở tỉnh Bình Thuận, thì nhiều dự án của Novaland bị “tuýt còi” như dự án The Grand Manhattan.

Dự án The Grand Manhattan được quảng cáo là dự án căn hộ “siêu sang” tọa lạc tại số 100, đường Cô Giang, quận 1, TP HCM. Bắt đầu từ năm 2018, thông qua nhiều kênh bán hàng khác nhau, dự án Grand Manhattan đã được quảng bá, rao bán rầm rộ ra thị trường.

Thời điểm đó, các căn hộ thương mại của dự án có giá từ khoảng 160 triệu đồng/m2. Khách hàng mua căn hộ phải đặt cọc đến 20% giá trị căn hộ, sau đó thanh toán thành nhiều đợt số còn lại. Đầu năm 2019, Novaland đã phát đi thông tin một số “căn hộ triệu đô” tại Grand Manhattan đã có người sở hữu, lúc này dự án vẫn chưa triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, đến ngày 21/5/2019, Văn phòng UBND TP HCM đã truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND TP HCM về việc khẩn trương thực hiện các thủ tục giao đất tại tại số 100 đường Cô Giang để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới.

Như vậy, tính đến tháng 5/2019 mặc dù chào bán rầm rộ trên thị trường với mức giá hàng chục tỷ đồng/căn hộ nhưng pháp lý dự án “siêu sang” The Grand Manhattan của Novaland vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí doanh nghiệp còn chưa được giao đất để triển khai dự án.

Tập đoàn Novaland liên tục “dính phốt” bán lúa non tại các dự án để huy động vốn, các khoản vay nợ của Tập đoàn này vẫn liên tục gia tăng.

Nợ phải trả tăng “chóng mặt”

Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2020, Tập đoàn Novaland đã đưa ra những con số chi tiết về khoản nợ phải trả lên đến 112.609 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi con số cuối năm 2019 (65.518 tỷ đồng) so với tổng cộng nguồn vốn thì nợ phải trả chiếm đến 71,9%, và gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu. Tổng nợ phải trả của Novaland lên đến 4,79 tỷ USD trong năm 2020.

novaland 4

BCTC cho thấy nợ phải trả tăng chóng mặt

Trong BCTC nêu ra chi tiết tổng số hàng tồn kho của Tập đoàn tăng 51,9% so với cuối năm 2019 lên 86.865 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất và chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như The Grand Manhattan, Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne và NovaBeach Cam Ranh. 93% tổng hàng tồn kho (tương đương 81.189 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là BĐS đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa BĐS, BĐS đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.

Để có nguồn vốn rót vào các dự án và hoạt động M&A, Novaland đang là “con nợ” của nhiều ngân hàng trong và ngoài nước. Credit Suisse AG, Chi nhánh Singapore với tổng nợ 7.309 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 3.470 tỷ đồng. đây là 2 “chủ nợ” lớn nhất của Novaland.

Ngoài ra, Novaland cũng phát hành trái phiếu với tổng số tiền là 25.820 tỷ đồng, trái chủ của Novaland chủ yếu là các ngân hàng trong nước và quốc tế. Ngân hàng MB hiện đang nắm giữ nhiều trái phiếu của Tập đoàn Novaland nhất.

Bạn nghĩ sao?