Hồng Ngọc - 11:30 - 11/01/2021
 
Câu chuyện được bắt đầu từ một tập hồ sơ khá dầy gồm hơn 50 hồ sơ nhỏ lẻ mà Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) đã nhận được trong suốt hơn 13 năm hoạt động mang tên “Làng cô nhi Long Thành”.
_DSC4033

 

_DSC4051

 

Câu chuyện đầu tiên, năm 1969, bà Võ Thị Kim Thanh (tên thường gọi là bà Hai Ni), nhà có 4 đứa con trai (tên thường gọi là Cu lớn, Cu bé, rồi đến bé Sáu, bé Bảy). Bà Thanh mang gửi vào Làng Cô nhi Long Thành để tiện đi tìm chồng đang bị thương nằm viện, còn 1 bé gái tên Vân đương bế ẵm thì mang về. 

Vài ngày sau, bé trai 6 tuổi - bé Sáu bỏ đi tìm mẹ và mất tích, bà hoảng sợ trở lại xin mấy đứa con còn lại về, không đi tìm chồng được nữa. Từ đó, bà mất tin người chồng, và cả đứa con trai.

 “Năm tôi lạc mất bé Sáu cũng là năm tôi mất chồng, lạc con, nhà cháy. Nhiều lúc nghĩ quẫn, tôi muốn ôm 4 con thơ nhảy cầu quyên sinh, bà con chòm xóm khuyên nhủ, gắng gượng nuôi con, tôi mới có động lực để sống tiếp”, bà kể.

Trong ngần ấy năm lạc con, bà Thanh van vái trời đất mong sao cho con được 1 gia đình tử tế nhận nuôi. Bà đi hết các ngôi chùa lớn, nhỏ ở khu vực Long Khánh, Long Thành vì nghĩ biết đâu con mình được các sư cưu mang. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà vẫn luôn tìm kiếm và chưa bao giờ nguôi niềm hy vọng được gặp lại bé Sáu.

Về ông Hồ Văn Sơn, hay còn gọi là bé Sáu, kể từ khi lạc mẹ, cuộc đời ông lắm truân chuyên. Cả bà Thanh và ông Sơn đều đăng ký tìm nhau tại NCHCCCL. Tuy nhiên, khi NCHCCCL tìm được họ cho nhau, liên hệ với ông Sơn thì ông lại trốn ekip, ông còn nhắn tin xin hủy hồ sơ.

“Thực lòng là tôi đã chán nản, không còn hi vọng gì nữa. Lấy vợ thì hết yêu thươg, có con trai thì năm trước nó cũng bỏ đi, có được căn nhà nhỏ thì vị thiếu nợ nặng lãi mà phải bỏ nhà đó, đi thuê chỗ trọ. Bản thân thì bệnh nan y. Từ lúc bé đến lớn, tôi mong một ngày được gặp lại mẹ và các anh em của tôi nhiều lắm! Nhưng đến giờ bỗng nhiên tôi không còn tin có ngày như vậy nữa. Giờ mà gặp lại người thân, tôi có còn lành lặn nữa đâu” – Ông Sơn bộc bạch.

Giây phút trùng phùng, ông Sơn tâm sự “gặp lại mẹ còn hơn cả trúng vé số”. Về phía bà Thanh, cụ bà 84 tuổi lau khóe mắt cho biết “gặp lại con giờ có chết cũng mãn nguyện”.

Câu chuyện thứ hai, ông Thái Văn Hiếu lạc em trai là ông Thái Văn Hiệp (tên ở nhà là Minh) vào tháng 2/1972 khi Làng cô nhi Long Thành giải thể. Khi thất lạc, ông Hiệp vừa tròn 6 tuổi. Hiện tại, ông Hiệp đang cư trú tại Regensburg là một thành phố ở Đông Nam nước Đức, cực bắc sông Danube, thuộc bang Bayern. Ông Hiệp đã nhiều lần về Việt Nam, tìm đến NCHCCCL để đăng ký tìm kiếm gia đình trước đây.

Vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên dù rất muốn nhưng ông Hiệp không thể bay về Việt Nam ngay để đoàn tụ cùng thân nhân.

“Trời ơi tôi chỉ muốn bay ngay về Việt Nam lúc này! Tôi ước được ở ngay hội trường của các bạn ngay lúc này! – Nhưng không thể nào! Thành phố tôi ở vừa lockdown từ ngày 22/12 cho đến hôm qua, không được đi đâu hết. Nhà máy tôi cũng đóng cửa hôm nay mới đi làm lại! Tôi xin nghỉ để đón xem NCHCCCL, lòng như lửa đốt! Ước gì được về VN để gặp người thân ngay lúc này, đúng dịp năm mới rồi sắp Tết!”, ông Hiệp nghẹn ngào qua video call.

Trong suốt hơn 13 năm hoạt động, NCHCCCL đã tiếp nhận hơn 80 ngàn yêu cầu tìm kiếm, và mỗi ngày chúng tôi lại tiếp nhận thêm những hồ sơ mới – những cuộc ly tán kéo dài vài chục năm, nguyên nhân ly tán là chiến tranh cho đến nghèo khó, đi lạc, tan vỡ gia đình v…v… Những cuộc chia phôi mà không thể chỉ nhờ cộng đồng mạng, cá nhân tự đi tìm. Những cuộc chia phôi mà những người trong cuộc đã không còn quỹ thời gian nào trong 1 đời để mà chờ đợi nữa. Và họ nhờ đến Hoạt động thiện nguyện của chúng tôi – NCHCCCL. Vì vậy, NCHCCCL dù đang còn chưa có nguồn kinh phí ổn định, vẫn phải duy trì, và thậm chí mạnh dạn phát triển.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 tháng hoạt động, trên Ví điện tử MoMo đã có tổng cộng 29.030 người tham gia với tổng số tiền quyên góp được là 788.556.452 đồng.

Bạn nghĩ sao?