Phạm Sơn - 09:37 - 07/10/2020
 
Ở độ tuổi 84, GS.TS Trần Kim Qui đã có tới 40 công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín. Dù tuổi đã cao nhưng nhà khoa học này vẫn hoạt động không biết mệt mỏi để cho ra những sáng chế, sản phẩm mới vì cuộc sống của người dân Việt.

 Nhà khoa học của nông dân

Sinh trong gia đình nông dân rất khó khăn, thiếu thốn nên GS.TS Trần Kim Qui rất hiểu những khó khăn mà người nông dân gặp phải.

"Do đó, tôi luôn tập trung nghiên cứu phục vụ cho nông nghiệp, môi trường và những gì xã hội cần. Để làm được điều đó, tôi luôn cố gắng tự học hỏi thêm để giải quyết những khó khăn mà xã hội đang cần giải quyết chứ không thể dừng lại ở những gì mình có", ông chia sẻ.

anh 1

GS.TS Trần Kim Qui 

Vốn theo học ngành Toán nhưng GS.TS Trần Kim Qui luôn mong muốn tạo ra những nghiên cứu ứng dụng thực tế nên ông đã tiếp tục theo học chuyên ngành Hóa và được công nhận tiến sĩ quốc gia theo chuẩn Pháp về Hóa học vào năm 1974. Sau giải phóng, GS Qui đảm nhận vị trị Trưởng bộ môn Hóa kiêm Phó chủ nhiệm khoa Hóa tại trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Trong thời gian này, ông nhận thấy chỉ riêng ngành Hóa thì rất khó để phát triển ứng dụng nên ông đã tự học các kiến thức về sinh học, vi sinh và mở học phần Hóa Sinh trong trường. Đến năm 2002, ông được cử làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hóa sinh ứng dụng TP.HCM đến khi về hưu.

Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, gần 2000 ha thanh long ruột đỏ Long An và Mỹ Tho (Tiền Giang) bị nấm tắc kè tấn công, đẩy hàng trăm người nông dân vào khủng hoảng. Dù đã thử đủ mọi cách nhưng những vườn thanh long vẫn ngày càng xơ xác kéo theo cơ nghiệp của những hộ trồng thanh long.

Trong tình cảnh tuyệt vọng đó, thuốc bảo vệ thực vật chiết xuất từ hạt cây neem do GS.TS Trần Kim Qui xuất hiện như phép màu. 100 lít sản phẩm trong đợt thử nghiệm đầu tiên đã đem lại hiệu quả tích cực. Tiếp theo đó, gần 2000 lít thuốc bảo vệ thực vật từ hạt neem được người dân sử dụng và chặn đứng được dịch bệnh.

Kết quả khảo nghiệm thực tế cho thấy thuốc bảo vệ thực vật từ cây neem giảm được đến gần 90% sâu hại, ức chế gần như hoàn toàn khuẩn gây bệnh. Các sản phẩm này sử dụng nguyên liệu tự nhiên nên không lưu bả độc gây ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến sức khỏe con người như các loại thuốc hóa học.

anh 2

Từ hạt cây neem, GS Qui đã nghiên cứu ra thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. 

Th.S Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch Công ty CP Nông nghiệp GAP cho biết thuốc trừ sâu rầy từ cây neem do GS.TS Trần Kim Qui phát triển giảm được đến 86% sâu rầy so với mẫu đối chứng tính đến thời điểm 3 ngày sau phun thuốc. Nhiều đơn vị, hộ nông dân đã sử dụng cũng nhận xét các sản phẩm này có cao hơn nếu so sánh với thuốc trừ sâu tổng hợp ngoại nhập họ dùng trước đó.

Chia sẻ về sáng chế này, GS.TS Trần Kim Qui cho biết sau khi được đồng nghiệp Ấn Độ giới thiệu về cây neem, ông đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu phát triển các sản phẩm bảo vệ thực vật từ chiết xuất của loài cây này. Đó chỉ là một trong nhiều kết quả ấn tượng đến từ quá trình nghiên cứu không nghỉ của nhà khoa học sinh năm 1936.

Làm khoa học phải dấn thân vì xã hội

Tại cuộc thi Sáng chế năm 2018 do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của GS.TS Trần Kim Qui đã đạt giải cao nhất của cuộc thi.

Ban tổ chức cho biết sáng chế được đánh giá cao vì giải quyết được cùng lúc 2 nhu cầu bức xúc của xã hội là vấn đề rác thải sinh hoạt và tạo ra nguồn phân hữu cơ giá rẻ cho thị trường. Quy trình này còn có ưu điểm là rút ngắn thời gian xử lý rác thải chỉ còn 1/3 so với các công nghệ tương tự cũng như giải quyết được ô nhiễm trong quá trình xử lý.

anh 3

GS.TS Trần Kim Qui (đứng thứ 2 từ phải qua) nhận giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018 

Lượng rác thải sinh hoạt trung bình ở Việt Nam hiện nay khoảng 300.000 tấn/ngày. Trong đó, phần lớn rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí

Trong hoàn cảnh đó, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm phân hữu cơ đang trở thành xu thế được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cách làm này vẫn gặp nhiều hạn chế như hiệu suất thấp (dưới 20%), thời gian ủ rác kéo dài (thường trên 75 ngày) nên một lượng lớn rác thải tồn đọng không kịp xử lý phải đốt, chôn lấp, gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nhận thấy những vấn đề này, GS.TS Trần Kim Qui đã bỏ công nghiên cứu bổ sung hoàn thiện quy trình bằng cách điều chế các chế phẩm vi sinh vật để khử mùi, sát trùng và phân giải rác thải; điều chỉnh một số thông số kỹ thuật để tăng hiệu quả xử lý…

Nhờ đó, quá trình phân hủy rác giảm xuống còn khoảng 25 ngày với hiệu suất đạt khoảng 30%. Sản phẩm phân bón hữu cơ được tạo ra theo quy trình này có mức giá chỉ từ 2.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự.

anh 4

Ở độ tuổi 84, GS.TS Trần Kim Qui chưa một ngày dừng việc tự học tập, nghiên cứu 

Không chỉ gắn với công việc nghiên cứu, GS.TS Trần Kim Qui luôn trăn trở làm sao để những kết quả nghiên cứu của mình thực sự đem lại lợi ích cho xã hội. Sau khi về hưu, ông đã sử dụng số vốn tích lũy được cùng sự hỗ trợ của gia đình để thành lập doanh nghiệp để trực tiếp biến những kết quả nghiên cứu thành sản phẩm cụ thể.

Năm 2014, công ty của ông là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại TP.HCM được chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học công nghệ. GS Qui cũng hỗ trợ nhiều người lao động tiếp tục sự nghiệp học tập.

Nhìn lại hơn 60 năm cống hiến cho khoa học, GS.TS Trần Kim Qui cho rằng người làm khoa học không thể thiếu tinh thần dấn thân vì xã hội. Vị giáo sư 84 tuổi trải lòng“Tôi bây giờ lương hưu cũng đủ sống, con cái cũng đã thành đạt nhưng tôi luôn tự nhủ vì sự phát triển của đất nước mà dấn thân, cố gắng. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi và có đủ điều kiện, phương tiện nên tôi mong những người trẻ làm khoa học nên nghiên cứu các công trình hướng tới đối tượng là người dân nghèo, còn khó khăn như bà con nông dân”,

Bạn nghĩ sao?