Văn Giáp - 08:54 - 28/04/2020
 
Kết quả kinh doanh quý I/2020 của các ngân hàng thương mại đang rất khác biệt khi ngân hàng thì lỗ sâu, ngân hàng thì lãi cao, nhưng điểm chung là chi phí tín dụng và nợ xấu của các ngân hàng đều tăng.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giới phân tích cho rằng, kết quả kinh doanh quý I chỉ phản ánh một phần khó khăn mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt, bởi cuối quý I dịch COVID-19 bùng phát mạnh và sang đầu quý II cả nước mới thực hiện cách ly xã hội. Hiện các ngân hàng thương mại đang thực hiện các giải pháp để đảm bảo nhiệm vụ "kép" vừa hỗ trợ nền kinh tế, trong khi đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, thậm chí tăng trưởng.

Lợi nhuận trái chiều

Trong quý I/2020, nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lợi nhuận trước thuế giảm 11%, Ngân hàng TMCP Bắc Á giảm 27%, Ngân hàng TMCP Kiên Long giảm 23%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại có những ngân hàng có kết quả kinh doanh vẫn rất khả quan. Thuộc nhóm đứng đầu về tốc độ tăng trưởng là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với mức tăng 3,5 lần, tiếp theo là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Sacombank) lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) lợi nhuận tăng gấp 2,1 lần so với cùng quý I năm 2019.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lợi nhuận tăng 33%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có mức tăng trưởng lợi nhuận 18%. Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dù kết quả kinh doanh là khác nhau, nhưng nhìn vào mặt bằng chung thì tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong quý I đạt thấp, trong khi nợ xấu và trích lập dự phòng tăng.

Đánh giá chung về hoạt động ngân hàng trong quý I, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, bối cảnh kinh doanh quý I/2020 không thuận lợi đã khiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt thấp. Tăng trưởng tín dụng 1,1% so với đầu năm trong khi cùng kỳ năm trước là 2,28%. Khách du lịch quốc tế giảm 18%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi vốn đầu tư nước ngoài thực hiện giảm 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 26% so với vùng kỳ năm trước.

Với tình hình vĩ mô kém khả quan và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu tín dụng của toàn nền kinh tế giảm xuống đồng thời với việc các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong giải ngân mới khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 1,1% tính từ đầu năm.

Agriseco cho biết, ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách lãi suất mới; trong đó, chủ yếu là các quy định hạ trần lãi suất bao gồm cả huy động và cho vay. Theo đó, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng là 0,5%, giảm 30 bps (điểm cơ bản). Trần lãi suất huy động đối với tiền gửi từ 1 đến 6 tháng là 4,75%, giảm 25% bps. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với những lĩnh vực ưu tiên là 5,5%, giảm 50 bps.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã cam kết hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với tổng số vốn 250.000 tỷ đồng (tương ứng khoảng 3% tổng dư nợ tín dụng). Tùy từng tổ chức tín dụng sẽ có những chính sách khác nhau bao gồm: giảm lãi suất, giảm phí, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Những chính sách này khiến lãi suất huy động trung bình của hệ thống tổ chức tín dụng giảm khoản 0,3- 0,5% trong tháng 3. Giảm mạnh nhất là nhóm các ngân hàng lâu nay đặt mức lãi suất huy động cao như Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với mức giảm trên 0,5% và nhóm các ngân hàng nhà nước có mức giảm thấp nhất khoảng 0,3%.

Về lãi suất cho vay, thời kỳ đầu dịch, các tổ chức tín dụng giảm từ 1-1,5% lãi suất cho vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện mức giảm lãi suất là 2-2,5% áp dụng cho số dư nợ khoảng 125.000 tỷ đồng.

Dù số dư nợ được giảm lãi chưa đáng kể, nhưng là mở đầu cho một mặt bằng lãi suất thấp khi Ngân hàng Nhà ước tính dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần được hỗ trợ là khoảng 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% tổng dư nợ.

Cùng chung bối cảnh với tăng trưởng tín dụng nêu trên, tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng trong quý I/2020 theo thông tin từ các ngân hàng cũng tăng lên đáng kể.

Báo cáo quý I/2020 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu đang gia tăng và ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Đơn cử, lãi quý I của TPBank tăng 19% thì nợ xấu của ngân hàng này cuối tháng 3 cũng tăng 53% so với đầu năm. Hay như VIB có lãi quý I/2020 tăng gần 33% so với cùng kỳ 2019 nhưng nợ xấu cũng tăng thêm 16%. Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) còn tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2020 lên 35,52% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Agriseco, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong khi tốc độ tăng nợ xấu đang theo đà tăng trưởng tín dụng của các kỳ trước đó sẽ khiến cho tỷ lệ nợ xấu (nợ xấu/tổng tín dụng) tăng mạnh.

Ngoài việc tăng trưởng tự nhiên theo đà tăng của tín dụng, nợ xấu quý I/2020 còn tăng bởi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Dù có cơ chế giãn nợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng với 2 lý do trên, các ngân hàng vẫn cần phải trích lập mạnh tay trong kỳ để giữ tỷ lệ nợ xấu không bùng phát quá mạnh và để giảm bớt gánh nặng trích lập trong các kỳ tới khi mà diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn rất phức tạp và ảnh hưởng của dịch mới chỉ đáng kể từ tháng 3", nhóm phân tích tới từ Agriseco nêu quan điểm.

Giải pháp cho thời gian tới

Đưa ra nhận định về triển vọng của ngành ngân hàng trong thời gian tới, Agriseco cho rằng, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng chỉ có thể đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.

Trong ngắn hạn, trung bình NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống ngân hàng có sự tăng nhẹ, tuy nhiên trong trung và dài hạn, khi việc giảm lãi suất trở nên sâu rộng hơn, thì NIM của ngân hàng sẽ bị co lại.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng với đà tăng của tín dụng trong 2 quý cuối năm 2019, việc giữ cho thu nhập lãi đi ngang, thậm chí tăng nhẹ trong năm 2020 là điều mà các ngân hàng thương mại có thể làm được.

Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank cũng cho rằng, chi phí tín dụng tăng và nợ xấu ảnh hưởng triển vọng trung và dài hạn của các ngân hàng.

Trong hoàn cảnh rủi ro nợ xấu tăng do dịch bệnh, nhiều ngân hàng đang trích lập dự phòng mạnh tay hơn mặc dù nhiều khoản chưa trở thành nợ xấu để tạo ra bộ đệm chống sốc khi nợ xấu thực sự bùng phát. Điều này thể hiện sự cố gắng của ngân hàng cũng như là rút kinh nghiệm từ việc xử lý nợ xấu trong quá khứ những năm 2007-2011.

"Tuy nhiên, với quy mô 2 triệu tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trong trường hợp trở thành nợ xấu sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận và triển vọng toàn ngành các năm tới. Mức dư nợ ảnh hưởng trên lớn gấp gần 20 lần so với tổng lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng năm 2019", Agriseco khuyến cáo.

Nợ xấu ngoại bảng cũng có thể phát sinh mạnh bất ngờ. Hiện nay, các cam kết ngoại bảng và nợ tiềm tàng của hệ thống ngân hàng khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 1/4 tín dụng, là mức tương đối lớn. Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp có xu hướng vi phạm các hợp đồng kinh doanh được bảo lãnh. Vì vậy, với vị thế là nhà bảo lãnh, ngân hàng phải thanh toán thay cho doanh nghiệp, từ đó khoản nợ tiềm ẩn được đưa vào nội bảng và xác suất cao trở thành nợ xấu.

Nhóm phân tích tới từ Agriseco đánh giá, thu nhập dịch vụ và thu nhập khác có thể là cứu cánh cho cục bộ một số ngân hàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trên bình diện toàn ngành ngân hàng và trong dài hạn, đóng góp của thu nhập dịch vụ là vẫn tương đối thấp, chưa kể các loại phí bảo lãnh thanh toán (chiếm khoảng 1/3 phí dịch vụ) cũng kém khả quan do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tạm dừng làm giảm nhu cầu sử dụng thư bảo lãnh./.

Bạn nghĩ sao?