Thu Hương - 22:18 - 16/12/2020
 
Thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm, đồng thời hạn chế huy động kỳ hạn dài.
h1

 Các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2%/năm

Vừa qua, ba ngân hàng quốc doanh là Vietinbank, BIDV, Agribank đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Cụ thể, tại Vietinbank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-2 tháng giảm về 3,1%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4%/năm. Hiện mức lãi suất gửi cao nhất tại Vietinbank chỉ còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài 12-36 tháng. Ngân hàng này đã tiến hành mức giảm lãi suất mức huy động 0,2%/năm so với trước.

Bối cảnh tương tự cũng xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Agribank khi hai nhà băng này cũng điều chỉnh lãi suất về mức tương tự. Tại Agribank, kỳ hạn 12-24 tháng lãi suất ở mức 5,6%/năm, giảm 0,2%/năm so với biểu lãi suất trước đó.

Tính đến trung tuần tháng 11/2020, làn sóng giảm lãi suất huy động của các NHTM trong nước đã lan tỏa khắp hệ thống. Do đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã không còn mặn mà với các kỳ hạn gửi trên 36 tháng như trước, mà kỳ hạn huy động dài nhất thường chỉ đến 24 tháng hoặc 36 tháng. 

Có ngân hàng còn hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng lãnh lãi hằng tháng xuống mức thấp hơn 0,5%/năm so với mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng lãnh lãi hằng tháng. 

Diễn biến này trái ngược với trước đây khi các ngân hàng thường khuyến khích người dân gửi dài để ổn định nguồn vốn và thiết lập đường cong lãi suất theo hướng kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. 

Tại khối ngân hàng cổ phần, Ngân hàng Nam Á cũng giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-11 tháng giảm từ 6,4% còn 6,2%/năm; lãi suất tiền gửi 18-29 tháng còn 6,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với trước đây.

Bên cạnh đó, hiện mức lãi suất 7-8%/năm đã hoàn toàn biến mất trên biểu lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, ngay cả tại một số ngân hàng nhỏ như SCB, OCB vốn duy trì mức lãi suất huy động cao. 

Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online - loại hình mà trước đây thường được ngân hàng ưu ái lãi cao - cũng giảm mạnh, cao nhất hiện chỉ còn khoảng 6,95%/năm.

Theo các chuyên gia dự báo, trong bối cảnh hiện nay, khi thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào, lãi suất tiền gửi dự kiến tiếp tục xu hướng giảm hoặc đi ngang.

Trong làn sóng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng trong nước đã lan tỏa khắp hệ thống thì tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lại xảy ra điều ngược lại khá thú vụ. Cụ thể, nhà băng này vừa phát hành 2.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất lên đến 7,5%/năm năm đầu tiên cho kỳ hạn 8 năm. Trường hợp mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 năm, lãi suất năm đầu tiên lên đến 7,3%/năm. 

Ở chiều ngược lại khi bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng thấp  đã tạo cơ hội … hạ sâu lãi suất cho vay. Ngoài ra, đây sẽ là cơ sở để các đơn vị tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các gói tín dụng trọng điểm mặc dù hiện nay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay (bao gồm: nông nghiệp, xuất khẩu, DNNVV, DN công nghiệp phụ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao) đã ở mức gần bằng lãi huy động là 4,5% (đối với kỳ ngắn hạn).

Bạn nghĩ sao?