Chi Mai - 20:15 - 26/03/2021
 
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng Việt Nam từ "Tiêu cực" lên "Tích cực", 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" và 6 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định".

Tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực

Ngày 18/3, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, cơ sở tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Moody’s cho biết giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách.

1014010512_0_378_4653_2890_1000x541_80_0_0_5b655023a0602574785bfc77b4433b58

 

Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Tổ chức này đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động. Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của nước ta đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ.

Trong đợt đánh giá xếp hạng tín nhiệm lần này, Moody’s có cân nhắc về yếu tố môi trường, xã hội, vấn đề ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học… là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm.

Việc Ủy ban xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, Moody’s dự báo nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả, qua đó góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, mặc dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới, duy trì và tiếp tục cải thiện các yếu tố sức mạnh tín nhiệm của quốc gia, tạo nền tảng vững chắc hiện thực hóa các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước.

Việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực (tăng hai bậc) là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại đạt những thành quả hết sức tích cực. Đó cũng là kết quả của sự kiên trì, chủ động của các cơ quan Chính phủ, của Bộ Tài chính trong việc trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với phía Moody’s. Bộ Tài chính tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận sát thực, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam. 

15 ngân hàng Việt Nam được nâng triển vọng

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây đã xác nhận nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoài tệ dài hạn, theo đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không bảo đảm được ưu tiên trả nợ, đối với 15 ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng Việt từ "Tiêu cực" lên "Tích cực", 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" và 6 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định".

Có 15 ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Trong đó, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực" là Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV.  Có 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" là OCB, TPBank, VPBank, VIB. Có 6 ngân hàng được điều chỉnh từ "Tiêu cực" lên "Ổn định" là ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank

Ngoại trừ ABBANK, ở xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.

Moody's đã hạ xếp hạng BCA và BCA điều chỉnh của ABBANK từ b1 xuống b2 bởi vốn tự có của ngân hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn do tài sản có vấn đề ngày càng tăng. Trong khi đó, CRA và CRR dài hạn của ABBANK lần lượt bị hạ từ Ba3(cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.

Với giả định tất cả các yếu tố khác không đổi, Moody's khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng "Tích cực" nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.

Động thái này của Moody's diễn ra ngay sau khi cơ quan này xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không bảo đảm dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

Moody’s cũng đã đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên "Tích cực". Đây là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Theo Bộ Tài chính, việc Ủy ban Xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19 và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, Moody’s dự báo nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả, qua đó góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Bạn nghĩ sao?