Triệu Hồ/TH - 22:20 - 14/03/2021
 
Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Với việc lãi suất huy động tiếp tục giảm, kỳ vọng lãi suất cho vay cũng giảm theo để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021...

Tiếp tục giảm lãi suất huy động

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, nhiều ngân hàng bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Xu hướng giảm lãi suất được dự báo chưa dừng lại, tiếp tục diễn ra sau Tết Nguyên đán, dù mức giảm không nhiều.

Cụ thể, mức lãi suất huy động tại Vietcombank kỳ hạn hạn 1-2 tháng còn 2,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 3,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng điều chỉnh giảm 0,1% ở hầu hết kỳ hạn ngắn; lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng ở mức 4%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), lãi suất đầu tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trong tháng 2 giảm tới 0,4 điểm % so với tháng 1. Kỳ hạn 1 tháng hiện còn 2,35%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng là 3,8%/năm; kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng cũng chỉ 4,6%/năm. Mức lãi suất cao đến 5,5%/năm áp dụng cho khách gửi từ 3 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn từ 13 tháng.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng giao động từ 3,25 đến 3,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 4,9 đến 5,3%/năm; và mức lãi suất tối đa lên đến 5,5%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng, kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng giảm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm…

Trước đó, giới phân tích dự báo nhiều khả năng sau Tết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi xuống trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Và đúng như dự báo, nhiều ngân hàng TMCP tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và cả kỳ hạn dài từ 13 đến 36 tháng.

Khảo sát tại một số ngân hàng TMCP cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau Tết Nguyên đán 2021 đã giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm. Trước Tết, đa phần ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện tại, lãi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng cao nhất chưa tới 4%/năm, kể cả những nhà băng thường treo lãi suất ở mức cao.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 3,1%/năm; 3 tháng là 3,4%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất kỳ hạn 3 tháng trở xuống cao nhất còn 3,85%/năm nếu trả lãi trước; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ; và mức lãi cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngay sau kỳ nghỉ Tết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 8.529 tỷ đồng trên thị trường mở, với kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%. Đồng thời, NHNN không bơm vốn trên cả hai kênh thị trường mở và kênh tín phiếu.

Lượng OMO đang lưu hành hiện ở mức 26.629 tỷ đồng trong khi lượng tín phiếu tiếp tục duy trì mức 0 trong tháng 2 vừa qua. Lượng tiền này dự kiến cũng sẽ đáo hạn trong tuần này. "Sau khi kỳ nghỉ lễ và khi nhu cầu chi trả thanh toán mang tính thời vụ qua đi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã quay lại trạng thái dồi dào, nên NHNN không cần có các động thái can thiệp như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Trước đó, ngay trước kỳ nghỉ lễ, NHNN đã bơm tổng cộng 26.629 tỷ đồng trên thị trường mở, với kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%, và hút ròng 15.568 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày", báo cáo của BVSC nêu.

sai suat

 Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động 

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2021, Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Xu hướng tăng của lãi suất huy động thời gian qua chủ yếu đến từ việc huy động nhằm đáp ứng các chỉ số an toàn, cạnh tranh thu hút khách hàng và có nguồn lực mở rộng cho vay.

Đánh giá về diễn biến thị trường tiền tệ, VCBS cho rằng xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế trên thị trường về lâu dài, với quan điểm thị trường tiền tệ toàn cầu vẫn còn mở rộng ít nhất là trong năm 2021. Trong tuần tới, VCBS cho rằng lượng giao dịch bình quân sẽ tăng dần sau khi yếu tố mùa vụ của Tết Nguyên đán kết thúc, lợi suất trái phiếu tiếp tục dao động trong biên độ hẹp hơn cho đến khi các tin tức mới hỗ trợ, còn lãi suất liên ngân hàng giảm dần và về mức ngưỡng như trong tháng 1-2021.

Dưới góc nhìn khác, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong quý đầu năm, khi sức cầu nền kinh tế vẫn khá yếu và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Còn theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, những năm trước, lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp gần Tết nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lương, thưởng của người lao động. Tuy nhiên năm nay, lãi suất tiền gửi lại giảm vào dịp sát Tết. Nguyên nhân được lý giải từ việc các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.

Kỳ vọng lãi suất cho vay năm 2021 sẽ giảmVới việc giảm lãi suất huy động, kỳ vọng lãi suất cho vay cũng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp vực hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021. Đây không chỉ là mong muốn của khách hàng mới, mà còn của những khách hàng đang có khoản vay tại các ngân hàng.

Mở màn cho làn sóng giảm lãi suất huy động sau Tết Nguyên đán 2021 là Vietcombank. Ngân hàng này cũng vừa công bố tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Mức giảm áp dụng cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ ngày 22/2 đến 22/5.

Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2 điểm % khi vay vốn sản xuất - kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch. Dự kiến, tổng số khách hàng được giảm lãi suất lần này khoảng 105.000 khách với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.

Trong xu hướng lãi suất đầu vào liên tục được điều chỉnh giảm ở hầu hết các ngân hàng, thị trường kỳ vọng việc hạ lãi vay của Vietcombank lần này sẽ lan tỏa tới nhiều ngân hàng khác, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo dự báo của công ty Chứng khoán SSI, lãi suất sẽ thoát đáy và đi lên trong năm nay khi tăng trưởng tín dụng cao hơn và kinh tế phục hồi. SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ nằm trong khoảng 13-14%, cao hơn so với mức 12,13% của năm 2020.

Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lạm phát năm 2021 dự kiến ở mức 3,5%, lãi suất huy động tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ chính sách. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Thông thường, sau Tết Nguyên đán là thời điểm cầu tín dụng chưa tăng cao. Mặt khác, NHNN dù cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, nhưng được tính theo quý thay cho cả năm như trước đây, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng đầu năm của các ngân hàng. Vì thế, các ngân hàng khó có thể duy trì lãi suất cho vay ở mức cao, kể cả tín dụng cá nhân. Do đó, các khoản vay cá nhân như vay mua nhà, mua xe… nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong thời gian tới, theo hướng có lợi cho khách hàng.

Mới đây, cử tri của nhiều tỉnh, thành đã gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị năm 2021 tiếp tục giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi và thủ tục cho vay thông thoáng hơn để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

Trong văn bản gửi NHNN, cử tri tỉnh Gia Lai cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn, làm tăng nợ xấu trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, NHNN cần tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, cử tri Trà Vinh đề nghị: “NHNN quản lý lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp, thủy sản đối với các ngân hàng thương mại phù hợp với chính sách chung của Nhà nước”.

Tại buổi làm việc với NHNN mới đây, về phương án hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù NHNN và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn...

Thủ tướng mong muốn trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận trên hết mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.

anh 2 bai giam lai suat c

Trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt NamVề những kiến nghị của cử tri, NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết vốn khả dụng, thanh khoản thị trường, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn.

“Để tiếp tục ứng phó với tác động của dịch Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế xã hội, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho vay các dự án có khả năng phục hồi sau dịch; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, văn bản NHNN trả lời cử tri Gia Lai nêu rõ.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc NHNN Việt Nam yêu cầu các ngân hàng tiếp tục xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung - dài hạn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2021, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, bởi vậy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

“NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả”, bà Hồng khẳng định.

Nhu cầu vốn tăng sẽ kéo lãi suất lênThông thường khi lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,1- 0,2% thì lãi suất cho vay cũng sẽ được giảm tương ứng dành cho cả khách hàng vay mới và khách hàng hiện hữu. Nhưng năm 2021 là một năm khó đoán định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng xu hướng giảm lãi suất khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm.

Về xu hướng lãi suất thời gian tới ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc OCB nhìn nhận, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021.

"Dịch Covid-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với cả ngân hàng. Đây là lúc ngân hàng phải sát cánh cùng doanh nghiệp, cung cấp giải pháp tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu phù hợp", bà Minh Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những tháng cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích lên do nền kinh tế phục hồi.

Đồng tình, ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, lãi suất là giá của đồng tiền, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì giá của đồng tiền, lãi suất sẽ tăng dần lên.

Trong khi đó, dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng khá tích cực.

Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,8%, hay Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,5%... Nền kinh tế Việt Nam bị “nén lại” trong năm 2020 sẽ là tiền đề để “bung” ra phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2021. Theo đó, khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao, thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên…, khi đó lãi suất sẽ nhích lên.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, việc nhích lên của mặt bằng lãi suất sẽ không quá nhanh và tăng cao ngay được, mà sẽ nhích dần dần, khả năng mức lãi suất sẽ tăng khoảng 0,25 - 0,5%./.

Bạn nghĩ sao?