H.Gia - Đ.Đình - 08:20 - 20/01/2021
 
Hội đồng Dân tộc; Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy Ban Dân tộc và Tỉnh ủy Đăk Lăk tổ chức Hội thảo Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Ngày 13/1, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk Hội đồng Dân tộc; Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy Ban Dân tộc và Tỉnh ủy Đăk Lăk tổ chức Hội thảo Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực. Về phía Ủy ban Dân tộc có ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh.

Đại diện Bộ Y tế có PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội thảo.

hoithao

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước phát triển ổn định, đời sống được nâng lên, song vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất. Trong văn kiện đại hội Đảng qua các thời kỳ đều thống nhất nguyên tắc quan tâm, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mới đây, Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội Khoá 14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã tạo bước ngoặt lớn trong phát triển vùng DTTS miền núi. Với vị trí chiến lược quan trọng của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, Hội thảo này rất cần thiết, kịp thời triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội”.

Cụ thể, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 có hệ thống chính sách về dân tộc đang nằm rải rác ở những chương trình (đề án) thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương được tích hợp lại và thống nhất về một đầu mối. Đề án đã được Quốc hội phê duyệt, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2019. Được biết, tổng nguồn vốn cho Đề án này (giai đoạn 2021 -2025) là 137.664 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí gần 105.000 tỷ đồng, còn lại huy động từ ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Đề án đặt ra các mục tiêu: Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ để phát triển vững chắc, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

hoithao2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cùng nhau tập trung thảo luận về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề đất đai, ưu tiên đất sản xuất, tập trung giao rừng, khoán rừng để đồng bào có nguồn thu nhập; làm tốt công tác định canh, định cư ổn định đời sống đồng bào DTTS tại chỗ, phát huy tinh thần tự lực của người dân; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư hạ tầng nông thông, đặc biệt trong vùng đồng bào DTTS; phát triển văn hóa giáo dục, ưu tiên vùng sâu vùng xa vùng biên giới, tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống, loại bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khôi phục lễ hội văn hóa truyền thống theo nhu cầu nguyện vọng của đồng bào…

Các đại biểu cùng thảo luận nhiêu vấn đề: Chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm đồng bào DTTS được khám, chữa bệnh miễn phí, chú ý sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số; bảo đảm quốc phòng an ninh, tiếp tục thực hiện các chính sách tôn giáo dân tộc, tăng cường thông tin tuyên truyền và đối ngoại, đảm bảo an ninh biên giới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Từng bước chuẩn bị và chuẩn hóa cán bộ công chức, đảm bảo tỉ lệ cán bộ người DTTS, quy hoạch tạo nguồn cán bộ DTTS, đặc biệt chú  ý dân tộc rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực DTTS tại chỗ, phát triển đảng viên là người DTTS, cơ cấu nhân sự lãnh đạo người DTTS...

Có gần 15 tham luận, góp ý, đề xuất của các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương về giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện những nội dung cơ bản trên của Đề án.

Về phía Đắk Lắk, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày tham luận “Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự phát  - một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh Đắk Lắk hiện nay”.    

hoithao1

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo khái quát tình hình xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021-2030, định hướng triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động DTTS; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các DTTS đi đôi xóa bỏ hủ tục lạ hậu, bình đẳng giới; củng cố các tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

hoithao4

Đồng chí Tòng Thị Phóng trao quà tặng hộ nghèo dân tộc thiểu số cho đại diện các tỉnh tham dự Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng đã thông tin tới các đại biểu 3 nội dung có tính chất thông điệp trong bài phát biểu của Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II năm 2020: Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà bác Hồ đã dặn, có 2 điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là “Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào”. Hãy truyền dạy cho con cháu muôn đời về lòng yêu nước của cha ông ta, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, về đức tính cần cù chịu khó, thật thà, tốt bụng, về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; hãy khơi dậy tinh thần và khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 trong đồng bào DTTS. Tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 88/2019/Qh14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa 14 và Quyết định số 1409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 120 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nhân dịp này, các bộ, ngành T.Ư và Công đoàn Ngân hàng Vietcombank đã trao tặng 14 tỷ 550 triệu đồng cho lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền trung để mua quà tặng đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Đến nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 gồm 10 dự án, thực hiện từ năm 2021. Sẽ có 3.415 xã (đạt tiêu chí tỷ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên). Trong đó có 1.601 xã khu vực I; 272 xã khu vực II; 1.542 xã khu vực III;  749 thôn (ngoài xã đạt tiêu chí tỷ lệ 15% hộ DTTS) và 1.568 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình này.

Bạn nghĩ sao?