05:30 - 10/05/2019
 
Học kỹ năng mềm từ chính tình huống thực tế

Trên thực tế, dù không được đào tạo như một môn học chuyên ngành, nhưng kỹ năng mềm chính là yếu tố quyết định 50% hiệu suất công việc và thành công của người lao động tại môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Thực tế tại Việt Nam, theo Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 4/4/2019, tính trong quý IV năm 2018, số lượng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học thất nghiệp là hơn 200.000 người, trong khi các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng với nhóm đối tượng này.

Theo nhận định của đại diện Navigos Search, các ứng viên hiện nay chưa tập trung vào các kỹ năng xã hội phù hợp với công việc để sẵn sàng ngay từ bước đầu tiên của sự nghiệp. Kỹ năng mềm vẫn chưa được xem là môn học bắt buộc, bản thân sinh viên cũng tập trung các môn học chuyên ngành hơn và dễ dàng bỏ qua việc rèn luyện kỹ năng mềm. Để tăng tính hiệu quả trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, theo các chuyên gia giáo dục, một trong những phương pháp hiệu quả nhất chính là "thả" sinh viên vào các tình huống thực tế để trải nghiệm và tích lũy kỹ năng cần thiết.

Kỹ năng mềm cho công việc tương lai

Với sinh viên đại học, trước khi tốt nghiệp và bước vào một "tình huống làm việc thực tế", các cuộc thi mang tính chất thử thách thực tế là một trong những lựa chọn tốt nhất để rèn luyện kỹ năng mềm hiệu quả ngay khi còn ngồi ghế nhà trường. Đây là sân chơi tốt để sinh viên rèn luyện các kỹ năng thiết thực cho công việc trong tương lai, cụ thể như kỹ năng tư duy, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định,…

Học kỹ năng mềm từ chính tình huống thực tế - Ảnh 1.

Đơn cử như cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh do HSBC tổ chức. Dựa trên nền tảng là phương pháp phân tích tình huống tiên tiến, đã được chứng minh trên thế giới về mức độ hiệu quả trong học tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp tương lai, các thí sinh sẽ thi theo nhóm, kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức học được từ nhà trường và kỹ năng mềm của bản thân để đưa ra các giải pháp kinh doanh phù hợp. Đồng thời, các đội thi cần phải trình bày và phản biện giải pháp của mình trước những giám đốc, giám đốc tài chính, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

Bạn Lưu Thái Quang Khải, cựu sinh viên RMIT, một trong bốn quán quân của cuộc thi năm 2018, chia sẻ: "Một năm sau khi tham gia cuộc thi, tôi thấy rõ những lợi ích dài hạn mà cuộc thi mang lại. Bên cạnh việc phát triển những kỹ năng mềm như thuyết trình, tranh luận, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện,... cơ hội tiếp xúc một cách toàn diện với môi trường làm việc quốc tế và đa văn hóa, được nhìn và hiểu sâu vào mô hình kinh doanh của nhiều công ty từ các lĩnh vực khác nhau qua các đề bài, là hành trang vô cùng quý giá khi tôi bắt đầu thực sự gia nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp."

Xây dựng quan hệ đối tác từ các cuộc thi kiến thức

Khả năng thiết lập, mở rộng và duy trì quan hệ đối tác (networking) là một trong những kỹ năng quyết định đến thành công trong công việc. Nếu có các mối quan hệ tốt, phù hợp với lĩnh vực làm việc, người lao động dễ dàng nhận được cơ hội nghề nghiệp, hợp tác, liên kết hơn. Khi mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm nhiều, chính các mối quan hệ này sẽ giúp sinh viên khởi đầu sự nghiệp dễ dàng hơn.

Học kỹ năng mềm từ chính tình huống thực tế - Ảnh 2.

Các cuộc thi dành cho sinh viên ngày càng phong phú, giúp sinh viên Việt Nam có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ và trao đổi, học hỏi từ những bạn sinh viên xuất sắc, các cố vấn, giám khảo là những nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp. Đó chính là nền tảng để sinh viên bắt đầu xây dựng và mở rộng các mối quan hệ đối tác của bản thân.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc, Chủ tịch Ủy ban phát triển bền vững Ngân hàng HSBC Việt Nam cùng các giám khảo của cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh HSBC luôn nhắc nhở thí sinh hãy trao đổi thông tin liên lạc với nhau và với cả giám khảo. Theo ông Hải, đó chính là cơ hội trong tương lai của các bạn.

Kỹ năng mềm chính là yếu tố góp phần lớn vào thành công của người lao động khi tham gia vào môi trường làm việc, đặc biệt là môi trường quốc tế. Do đó, không chỉ trau dồi kiến thức và kỹ năng trên ghế nhà trường, sinh viên nên chủ động tìm kiếm, học hỏi các kỹ năng thông qua những cuộc thi ngày càng thực tế và đa dạng.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Bạn nghĩ sao?