Hoàng Anh - 09:29 - 30/12/2020
 
Hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; tỉ lệ lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước (NSNN) đi qua DVCTT đạt 98%.
1

 

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 hôm 16/12 của KBNN, năm 2020, tuy dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế đất nước nhưng với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua các khó khăn, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nổi bật nhất trong năm 2020, hệ thống KBNN đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó tập trung vào việc nâng cao, hoàn thiện hiệu năng chương trình DVCTT; tuyên truyền vận động, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT; triển khai thí điểm kết nối và tích hợp các hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp vào hệ thống DVCTT tại các đơn vị có quan hệ ngân sách trên địa bàn 4 quận của Hà Nội.

Đến nay, KBNN đã cung cấp 9/11 thủ tục DVCTT mức độ 4 (số lượng hồ sơ giao dịch của 9 thủ tục này chiếm 90% hồ sơ giao dịch của KBNN); hoàn thành tích hợp 7/9 thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm triển khai của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 77,8% và vượt 47.8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4; Tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN đi qua DVCTT đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.

Việc triển khai mạnh mẽ DVCTT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao có hiệu quả sử dụng vốn NSNN.

Ngành KBNN cũng đặt mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, hiện đại hoá công nghệ thông tin để sớm trở thành KBNN số theo Đề án Chiến lược phát triển đến năm 2030.

Kho bạc tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%.

Đối với công tác kiểm soát chi NSNN, trong năm 2020, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên như: khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài....

Đáng chú ý, năm vừa qua KBNN đã thực hiện ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố...; cung cấp số liệu giải ngân hàng ngày cho Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý điều hành NSNN.

Đồng thời, tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời và có chất lượng đối với các cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN trong năm 2020 đó chính là công tác huy động vốn. Thời gian qua, KBNN đã tiếp tục chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn, đảm bảo tính bền vững của nợ công như: Điều hành tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ của NSNN và phù hợp với điều kiện thị trường.

KBNN cũng thực hiện đa dạng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tập trung phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, sát thị trường; thực hiện hoán đổi trái phiếu chính phủ để hài hòa nghĩa vụ trả nợ, góp phần kéo dài kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu chính phủ.

Lãnh đạo KBNN cho biết, năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhiệm vụ của KBNN sẽ khá khó khăn.

Hệ thống KBNN xác định mục tiêu, phương châm hành động năm 2021 đó là: “Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phấn đấu 100% các thủ tục hành chính được cung cấp qua DVCTT mức độ 4 và Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN”.

2

 

Để đạt được mục tiêu này, bước sang năm mới toàn hệ thống KBNN sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chính sách lớn và các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ chuyên môn. Trong đó tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; trình Bộ Tài chính các thông tư theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, KBNN cũng sẽ tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Song song với đó là tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

KBNN cũng đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021 do Bộ Tài chính giao; điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với thị trường, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách. Hệ thống KBNN cũng sẽ nâng cao hiệu quả điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước; triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ sau khi Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn.

Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 trình Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời hạn theo quy định; tổng hợp lập báo cáo Tài chính nhà nước thuộc ngân sách cấp tỉnh trình Hội đồng nhân nhân cấp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Quan trọng nhất, lãnh đạo KBNN khẳng định toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN trên các mặt về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiện đại hóa công nghệ quản lý.

Tính đến hết tháng 11/2020, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.260,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% so với dự toán năm 2020 được giao.

Cũng đến thời điểm này, lũy kế chi NSNN đạt 1.369,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 87,9% dự toán.

Tính đến ngày 15/12/2020, KBNN đã huy động đạt 99,9%kế hoạch giao đầu năm và ước đến 31/12/2020, đạt 100% kế hoạch Bộ Tài chính giao (bao gồm cả kế hoạch giao bổ sung); kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 13,81 năm, tăng 0,37 năm so với năm 2019; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 8,33 năm; lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 2,88%/năm, giảm so với năm 2019 và thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Bạn nghĩ sao?