Hoàng Pháp - 14:16 - 19/01/2021
 
Việc phá dỡ tòa biệt thự tại ngõ Hàng Chuối 2 (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nóng trở lại khi xuất hiện thêm các tình tiết mới với những bất thường. Gần 10 năm đã trôi qua nhưng những tranh cãi về hoạt động xây dựng ở địa điểm trên vẫn chưa dừng lại.

 Hô biến...

Nằm tại số 7, ngõ Hàng Chuối 2 (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tòa biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 giờ chỉ còn là một công trường dang dở. Vụ việc phá dỡ biệt thự này gây tranh cãi suốt nhiều năm qua đã từng làm tốn rất nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí.

Tòa biệt thự gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân sống tại ngõ Hàng Chuối 2, có khuôn viên rộng tới hơn 700m2, sân vườn kiến trúc mang nhiều nét độc đáo. Trong quá khứ, công trình này lần lượt được Bộ đại học quản lý rồi Đại sứ CHDCND Lào tiếp quản. Trải qua một thời gian, tòa biệt thự được chuyển quyền sở hữu cho bà Trung Thị Lâm Ngọc một doanh nhân có tiếng.

hangchuoi1

Căn biệt thự  số 7 ngõ Hàng Chuối 2, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Đến tháng 1/2013, chủ sở hữu bất ngờ cho phá dỡ toàn bộ biệt thự để tiến hành xây dựng tại đây một tòa nhà 7 tầng. Máy móc xây dựng hoạt động suốt ngày đêm. Các xe tải trọng lớn khi di chuyển đã phá nát đường vào ngõ Hàng Chuối 2, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Tình trạng nghiêm trọng đến mức nhiều hộ dân phải làm đơn kêu cứu lên chính quyền sở tại.

Trong khi đó, thời điểm năm 2014, dù mới chỉ hoàn thiện được phần móng, hoạt động thi công tại khu vực trên bỗng đình trệ và kéo dài như vậy suốt nhiều năm trời.

Đáng chú ý, ngày 12/12/2020, liên quan đến vụ việc phá dỡ tòa biệt thự đã xuất hiện tình tiết mới, một cuộc họp được tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo UBND phường Phạm Đình Hổ và đại diện các hộ dân sống tại ngõ Hàng Chuối 2.

Trong cuộc họp này, người dân bất ngờ nhận được thông tin, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở địa chỉ số 7 ngõ Hàng Chuối 2 không hề ghi nhận sự tồn tại của tòa biệt thự lâu đời.

hangchuoi3

Mặc dù là ngõ cụt những tại đây công trình vẫn được cấp phép xây dựng tòa nhà với 7 tầng nổi, 2 tầng hầm.

Cụ thể, theo thông tin được công bố bởi ông Trần Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho biết: “Giấy chứng nhận do UBND quận cấp ngày 17/12/2012, nhà đất tại đây được cấp cho bà Trung Thị Lâm Ngọc là chủ sở hữu và sử dựng. Đối với diện tích đất là 733,5m2 đất. Đối với nhà ở, không được ghi nhận trong giấy chứng nhận”.

Ngay sau đó, thông tin này đã bị người dân tham dự cuộc họp phản ứng bởi thời điểm ngày 17/12/2012, trên địa chỉ số 7 ngõ Hàng Chuối 2 vẫn tồn tại một biệt thự cổ 3 tầng xây dựng từ trước năm 1954 và một dãy nhà hàng 2 tầng. Phải đến ngày 17/1/2013, biệt thự này mới chính thức bị phá bỏ.

... nguồn cơn của mâu thuẫn

Bên cạnh vấn đề bất thường khi không công nhận sự tồn tại của tòa biệt thự trong giấy tờ pháp lý, việc xây dựng tòa nhà 7 tầng tại số 7 ngõ Hàng Chuối 2 cũng gây ra nhiều mẫu thuẫn.

hangchuoi2

Con đường ngõ bị cày xới khi phá dỡ và xây dựng công trình

Trước dó, theo giấy phép xây dựng cấp ngày 6/9/2014, công trình có quy mô 7 tầng, có 1 tầng hầm. Sau nhiều năm dừng thi công, đến ngày 11/9/2019, công trình này được UBND quận Hai Bà Trưng đồng ý điều chỉnh, gia hạn giấy phép, bổ sung thành 2 tầng hầm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc cấp phép này là trái quy định hiện hành, bởi thẩm quyền cấp phép trong trường hợp này với nhà 2 tầng hầm phải thuộc Sở Xây dựng cấp tỉnh, thành phố.

Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ những mâu thuẫn xảy ra trong suốt thời gian qua về hoạt động xây dựng ở số 7 ngõ Hàng Chuối 2 là bởi người dân lo ngại công trình mới mọc lên sẽ có quy mô lớn, làm gia tăng áp lực cho cơ sở hạ tầng giao thông, sinh hoạt tại khu vực này.

Bà Trung Thị Lâm Ngọc được biết đến với vai trò người đại diện pháp luật cho nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thuỷ tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thủy – Chi nhánh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Nhiếp ảnh Hà Nội, Công ty Cổ phần Ánh Sáng Sông Hồng, Công ty TNHH Đầu tư và Truyền thông Cine Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên I.z.u.m.i, Công ty TNHH Phát triển thương mại và đầu tư văn phòng 55,... và là vợ ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngoài chức Phó Chủ tịch TPBank, ông Đỗ Anh Tú còn là Tổng giám đốc Công ty Diana thuộc Tập đoàn Unicharm, Nhật Bản, đồng thời là em trai của Chủ tịch HĐQT TPBank - Đỗ Minh Phú.

Năm 2013, cái tên 'Trung Thị Lâm Ngọc' xuất hiện trong thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Theo đó, bản kết luận có đề cập đến chi tiết hai nhận vật là ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc bỏ túi gần 500 tỷ đồng nhờ mua khu đất công phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. 

Bạn nghĩ sao?