11:30 - 22/04/2019
 
"Nếu chúng ta không cẩn thận thì Lào, Campuchia khi nâng cao được khả năng cạnh tranh, phát triển sẽ có cơ hội vượt mặt. Chúng ta cần những bước ngoặt", GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho biết tại hội thảo của CIEM sáng 19/4.
hom-nay-la-chet-ca-chet-tom-mai-nay-con-kinh-te-bien-nua-khong-1470705972853-1555660461865462755472-crop-1555660475210759770265

 

Nhìn về bức tranh số liệu của quý I/2019, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái nhận xét trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các con số mà Việt Nam đạt được có nhiều dấu hiệu tích cực, giữ được ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, ông Thái lưu ý hình kinh tế không phải đơn giản chỉ là so sánh tháng này so với tháng kia. Ông nhấn mạnh phải có sự quan sát cẩn thận trong việc nhận định những kết quả có được, nguyên nhân, bản chất là gì, có được do đâu.

"Tôi thấy rằng chúng ta đôi khi phân tích vĩ mô quá, có lẽ nên tập trung hơn vào phần trung và phần vi mô, cụ thể đi sâu vào các ngành", ông nói.

Lấy ví dụ như với vấn đề xuất nhập khẩu, nhóm nghiên cứu của GS. Quang Thái khi phân tích 28 tỉnh ven biển Việt Nam và phần còn lại thu được kết quả 2/3 xuất khẩu của Việt Nam nằm trong vùng nội địa – chiếm ưu thế hơn.

Tuy nhiên, phần nội địa này chỉ gia công nên nếu xét về giá trị gia tăng thu được, 28 tỉnh ven biển lại cao hơn, dù xuất khẩu chỉ bằng 1/3. "Điều đấy chứng minh là nếu phân tích sâu, chúng ta có thể tìm thấy được những dư địa phát triển cho đất nước. Còn nếu tính chung chung thì vẫn chỉ là con số xuất khẩu, công nghiệp. Nên phân tích theo ngành và theo vùng", ông Thái góp ý.

Vị chuyên gia này cũng nói đến nguy cơ tụt hậu của Việt Nam, trong đó, ông nhấn mạnh đến nguy cơ tụt hậu vòng 2.

Tụt hậu vòng 1, theo ông Thái, là việc Việt Nam bị bỏ lại xa hơn so với các nước. "Nếu so sánh với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong 30 năm qua thì chúng ta không ghê gớm gì đâu. Chúng ta bước nhanh nhưng có nhược điểm là bước chân ngắn. Do vậy, đi nhanh nhưng bước ngắn thì không bằng thằng đi chậm mà bước dài. Vì thế mà đất nước tụt hậu", ông nói.

"Nguy cơ hơn là ở vòng 2, chúng ta có thể thua Lào. Thua thực sự chứ không phải theo số liệu của World Bank hay IMF", ông nói.

Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người năm

2016 đạt 2.215 USD, năm 2017 đạt 2.389 USD và năm 2018 đạt khoảng 2.500 USD.

Trong nhóm các nước ASEAN có thu nhập trung bình thấp bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam, tại thời điểm năm 2014, Việt Nam vẫn đứng thứ 2, sau Philippines (đạt 2.852 USD) với mức GDP bình quân đầu người đạt 2.052 USD, cao hơn Lào khoảng 1,05 lần, cao hơn Campuchia 1,8 lần và Myanmar 1,6 lần.

Nhưng từ sau năm 2015, Lào đã vượt lên chiếm vị trí thứ 2 của Việt Nam trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp của khu vực ASEAN với mức GDP bình quân đầu người đạt 2.221 USD năm 2016 và 2.530 năm 2017.

"Nếu chúng ta không cẩn thận thì Lào, Campuchia có thể nâng cao cạnh tranh và có cơ hội phát triển hơn", ông Thái nhấn mạnh. Do vậy, ông cho rằng Việt Nam cần phải có sự đột phá, tạo bước ngoặt trong kinh tế. "Chúng ta đang có cơ hội nhưng nếu không nắm bắt thì đến năm 2025, cơ hội sẽ không còn nữa", ông nói và cho biết những bước ngoặt của Việt Nam cần tuân theo tín hiệu của thị trường, cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.

"Cải cách cũng phải triệt để hơn, Việt Nam cũng cần phải đề cao, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển tối đa", ông Nguyễn Quang Thái nói thêm.

(Theo Cafef)

Bạn nghĩ sao?