Thu Trinh - 10:52 - 05/03/2021
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỉ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%).

 Nếu năm 2016, các bộ, ngành và địa phương giải ngân được hơn 231.000 tỷ đồng, thì tính từ đầu năm đến đầu tháng 12/2020, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 356.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân này cao hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất trong 5 năm (2016-2020).

gia ngan

 

Đầu tư công đã trở thành cú hích đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, và được đánh giá là "cửa" sáng nhất trong các "mũi giáp công" mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra để hồi phục nền kinh tế theo mô hình chữ V sau đại dịch Covid-19. Năm 2020, giải ngân đầu tư công không chỉ tăng về vốn, mà công tác đầu tư cũng đã đi vào thực chất hơn. Các dự án đầu tư công bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo nên sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do Covid-19 gây ra.

Con số thống kê cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/12/2020 là 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, cụ thể sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đặc biệt là dịch vụ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến nguồn vốn trong các khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm song Chính phủ đã chú trọng, tập trung đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhằm tạo tác động lan tỏa kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

“Chưa bao giờ có một công tác chỉ đạo về giải ngân quyết liệt như năm nay (kể từ năm 2016 trở lại đây) với sự vào cuộc của Chính phủ từ các công tác chỉ đạo, điều hành và những phiên họp trực tuyến với các địa phương. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 91,1% kế hoạch năm 2020 và tăng 34,5% so với năm 2019, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Với sự lan tỏa, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội đã được hưởng lợi từ việc tăng vốn đầu tư công cho nền kinh tế, như ngành xây dựng (cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, dự án kinh tế…), các ngành công nghiệp sản xuất phục vụ xây dựng (xi măng, sắt thép, gạch ngói, gốm sứ xây dựng), điều này giúp khối doanh nghiệp nói chung và người lao động có thêm thu nhập để đầu tư và tái sản xuất”, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

cong

 

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua là do hai yếu tố cơ bản. Một là công tác chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, lượng vốn giải ngân càng nhiều thì càng hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Hai là, 2020 là năm cuối cùng thực hiện Luật Đầu tư công 2014 (Luật số 49), chuẩn bị triển khai Luật Đầu tư công 2019 (Luật số 39) - bắt buộc các địa phương và bộ, ngành phải giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ tiền vào kế hoạch trung hạn.

 Ông Trần Quốc Phương cũng chia sẻ thêm, dù tỷ lệ giải ngân cao trong năm vừa qua nhưng không vì thế mà chất lượng dự án đầu tư công giảm đi. Nếu các đơn vị thực hiện nghiêm túc thì không ảnh hưởng đến chất lượng dự án đầu tư công, song nếu vội vàng thì chất lượng sẽ không tốt. "Điều này phụ thuộc rất lớn vào đơn vị quản lý dự án, chủ đầu tư dự án", Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, sang năm 2021, Luật Đầu tư công mới quy định bắt buộc các bộ, ngành và địa phương phải giải ngân hết trong năm và yếu tố xử lý việc giải ngân vốn đầu tư công thấp là vấn đề thị trường, cụ thể đánh thẳng vào "túi tiền" của các bộ, ngành, địa phương.

"Một địa phương, một bộ, ngành giải ngân thấp đồng nghĩa với việc cuối năm số tiền không giải ngân được sẽ bị trừ vào kế hoạch trung hạn và đó là điều thiệt thòi của địa phương, bộ, ngành đó. Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công cũng thể hiện rõ điều này, vì vậy công tác xây dựng kế hoạch đầu tư của địa phương, bộ, ngành sẽ phải chính xác hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.

Như trước đây, khi làm kế hoạch vốn đầu tư công ai cũng muốn được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng câu chuyện bây giờ "nhiều" chưa chắc đã tốt. Bởi, địa phương, bộ, ngành không giải ngân được thì hệ lụy là rất lớn, bên cạnh sự giảm trừ đầu tư công trung hạn còn bị khiển trách. Do đó, các cơ quan tham mưu của bộ, ngành, địa phương sẽ phải hết thận trọng tính toán sao cho khớp nhất, rút ngắn khoảng cách thừa - thiếu giữa kế hoạch và thực tế, nhằm thúc đẩy đầu tư công hiệu quả hơn.

Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm nên khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như "vốn mồi" thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tháng 1/2021 giải ngân đạt 3,25%

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn kế hoạch năm 2021 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đạt 89% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương các năm trước. Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15.000 tỉ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).

“Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã yêu cầu phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý. Cụ thể, trong quý 1/2021 hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Quý 2/2021 hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021.

Quý 3/2021 giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021 và lũy kế đến quý 4/2021 phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát hành lang và khuôn khổ pháp lý về đầu tư, ngân sách đặc biệt là vốn ODA một cách đồng bộ và minh bạch; trong đó, đổi mới quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA, cần xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án ODA gắn liền với đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho các dự án này, quy trình tổng hợp phân bổ vốn ODA gắn liền với vốn đối ứng; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng giao thông...

Bạn nghĩ sao?