Thùy Linh - 07:26 - 30/03/2021
 
Từ sau dịp Tết Nguyên Đán 2021, thị trường bất động sản “nóng sốt” lên từng ngày, từng giờ tại nhiều địa phương. Ở đâu có thông tin về quy hoạch, hạ tầng hay các siêu dự án là ở đó giá đất tăng vọt. Không chỉ vậy, hiện tượng rao bán đất trái với quy định của pháp luật như đất rừng, đất ruộng,… cũng xuất hiện thường xuyên trên thị trường.

Giá đất “tăng vọt” từng giờ

Các cơn sốt đất của thị trường bất động sản bùng nổ sau Tết Nguyên Đán từ Bắc vô Nam. Đơn cử, tại Hà Nội, sau khi có thông tin Đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử sông Hồng với quy mô bao phủ 11 nghìn héc-ta, trải dài 40km dọc sông Hồng, liên quan đến 13 quận huyện đã khiến giá đất nền tại nhiều quận, huyện tăng vọt. Theo ghi nhận, giá đất xã Xuân Canh, Hải Bối (huyện Đông Anh) tăng gấp đôi so với trước đây.

sot dat

Ảnh minh họa

“Nếu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố chính thức, giá đất tiếp tục tăng, có nơi giá sẽ lên tới 50 triệu đồng/m2”, một môi giới nói. Hay ăn theo thông tin đồ án lập quy hoạch chung khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, đất Gia Thịnh (Gia Viễn, Ninh Bình) đã tăng giá gấp đôi, gấp ba trong vòng 1 năm. Đất Bình Phước cũng thành chảo lửa với thông tin quy hoạch sân bay Tecnich. Và hàng loạt các điểm nóng khác của thị trường từ Hoành Bồ (Quảng Ninh), Phù Khê (Bắc Ninh), Bắc Giang, Bảo Lộc (Lâm Đồng)…

Sốt đất là hiện tượng giá đất tăng đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa  phần những cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.

Gia dat 1

Đông Anh - một trong những huyện ngoại thành Hà Nội có "nhiệt độ sốt đất" cao thời gian qua

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân tăng giá đất thời gian qua một phần là do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%. Nhu cầu nhà ở cao nhưng việc phê duyệt các dự án bất động sản chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không nhiều. “Hàng mới” hầu như không có, “hàng cũ” vì vậy có cơ hội bán ra và tăng giá. Nhân cơ hội này, bất động sản các tỉnh lẻ bắt đầu lên ngôi do giá thấp và được các chủ đầu tư lớn chạy về bắt tay “lập quy hoạch”.

Do dịch bệnh, hầu như các ngành sản xuất, chế biến, nông, lâm, thuỷ sản, hàng không, dịch vụ du lịch ... “chết bẹp”, trong khi đó ngân hàng, chứng khoán, tiền ảo đều báo lãi rất lớn. Người dân đổ xô đầu tư vào những lĩnh vực này. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán, tiền ảo có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất bởi đây là kênh đầu tư chắc chắn nhất.

Đất rừng, đất ruộng cũng “sốt”

Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng về quy hoạch và phát triển dự án. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của những nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Không chỉ vậy, hiện tượng rao bán đất trái với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn,… cũng xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên tụ tập ở những khu vực này, tung nhiều thông tin không có cơ sở, thổi giá từng giờ để lôi kéo các nhà đầu tư.

Ghi nhận tại Ba Vì, Sơn Tây xuất hiện nhiều thông tin rao bán cả đất rừng, đất ruộng với lời mời chào hấp dẫn "mua là lời" và cam kết có thể chuyển đổi sang đất ở. Hay nhiều cò đất còn giới thiệu những sản phẩm đất phi nông nghiệp khu vực ven bờ sông Hồng có đóng thuế hàng năm với lời rao "có thể xây nhà cao tầng".

Gia dat 2

Nhiều sào đất ruộng trong khu vực quy hoạch ở thôn Phước Khánh, Phú Yên đã được thu mua

Hay ở Phước Khánh (Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên) trong một tháng trở lại đây, xuất hiện tình trạng người hỏi mua liên tục "đẩy" giá 120, 130 rồi 140 triệu đồng/sào khiến nhiều nông dân cũng thi nhau bán ruộng.

Theo luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), việc mua bán đất ruộng lúa được pháp luật về đất đai quy định chặt chẽ. Chỉ những người ở địa phương, trực tiếp canh tác ruộng lúa mới được chuyển nhượng đất ruộng lúa của người ở địa phương đó. "Nếu chính quyền không quản lý chặt việc mua bán ruộng lúa này thì nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán về sau rất cao" - ông Linh nói.

Hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt, theo ông Nguyễn Văn Đính (Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam), sẽ hút nguồn lực của xã hội vào vòng xoáy tăng giá đất đai; làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực; kéo hàng loạt chi phí khác tăng theo; khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ; ảnh hưởng sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát hoạt động sử dụng đất đai, giao dịch đất đai. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất. Đồng thời, các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn...

Bạn nghĩ sao?