PV - 10:51 - 05/03/2021
 
Chính phủ đồng ý giao Lâm Đồng tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc này Tân Phú – Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

 Ngày 4/2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24/TB - VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hôm 21/1. Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước.

Theo kết luận, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

cao toc

Đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành

UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương, tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền. UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó, làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật).

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 tham gia dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và "Báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2021. Đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của Nhà nước để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phần tham gia vốn vào dự án, sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội", thông báo nêu.

cao toc 1

Nút giao cao tốc Dầu Giây sẽ kết nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong tương lai. Ảnh: Phước Tuấn

Tổng thể của Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3 km, được chia làm các giai đoạn.

Giai đoạn 1 là Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 60 km đi qua địa bàn huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 2 dài 66 km tiếp nối từ Tân Phú - Bảo Lộc đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Giai đoạn 3 có chiều dài 73 km, bắt đầu từ TP Bảo Lộc đến huyện Đức Trọng, nối vào đường cao tốc Liên Khương - Prenn.

Giai đoạn 2 Tân Phú - Bảo Lộc, từ 51 km - 67 km, quy mô 4 làn xe sẽ sớm được khởi công trong năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 47%, tỉnh Lâm Đồng đối ứng 23%, nguồn vốn Chính phủ 24%; vốn BOT 53%.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu giao quốc lộ 20 tại xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai) và điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Quy mô đầu tư giai đoạn 1, đường rộng 17 m, giai đoạn 2 rộng 22 m. Trong tổng vốn đầu tư, ngân sách nhà nước khoảng 9.151 tỷ đồng, gồm 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách tỉnh Lâm Đồng, vốn do nhà đầu tư PPP huy động khoảng 10.319 tỷ đồng.

Theo tính toán của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án cao tốc sẽ thu phí 2.000 đồng/km/PCU (xe quy đổi) và tăng giá 3 năm một lần, mỗi lần tăng 15% thì thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 27 năm (từ năm 2025 đến 2052).

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vào thời điểm năm 2014, Bộ Giao thông vận tải tính toán toàn bộ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nếu đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m với tổng chiều dài gần 200km cần đến 65.000 tỷ đồng.

Tuyến đường khi hoạt động  sẽ gỡ được nút thắt điểm đen kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20. Khi dự án toàn tuyến hoàn thành sẽ kết nối hoàn chỉnh với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.

Ngoài dự án Tân Phú - Bảo Lộc thuộc cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, vùng Đông Nam Bộ còn có 6 dự án cao tốc kết nối các địa phương ở khu vực. Trong đó cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đã hoàn thành, đang đề xuất mở rộng; Long Thành - Bến Lức dài 47 km, hoàn thành 80%; Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, khởi công tháng 9 năm ngoái. Ba dự án chưa khởi công, gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu dài 78 km; TP HCM - Tây Ninh dài 53 km; TP HCM - Bình Phước dài 69 km.

Bạn nghĩ sao?