Tuấn Hải - 10:31 - 13/12/2020
 
Dù chỉ sở hữu 32% nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 65% thị phần thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

 Thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 65% thị phần, 35% thị phần còn lại do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. “Số thị phần này cũng đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng về quy mô, số lượng doanh nghiệp cũng như sản lượng của doanh nghiệp ngoại do tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Không chỉ vượt trội về thị phần, mà hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín” Vietnam Report nhận định.

 Cũng theo Vietnam Report nhận định, Các doanh nghiệp trong nước cần phải nhanh chóng thay đổi chiến lược trong sản xuất và kinh doanh để có thể giành lại thị phần từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo bảng xếp hạng tốp 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 do Vietnam Report công bố (Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2020), các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục chiếm áp đảo về số lượng.

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020, tháng 12/2020. (nguồn Vietnam Report).

Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020, tháng 12/2020. (nguồn Vietnam Report).

Trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2020 do hãng nghiên cứu này xếp hạng, 4 đơn vị được đánh giá tốt nhất đều là doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, gồm C.P., De Heus, Proconco và Japfa Comfeed.

Báo cáo đánh giá chăn nuôi là mắt xích quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn và chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại với tốc độ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm. Điều này tạo động lực phát triển cho thị trường thức ăn chăn nuôi.

Tuy vậy, thời gian qua, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và kéo dài đã khiến các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa hoặc giảm mạnh công suất hoạt động.

Theo đánh giá của Vietnam Report “Các tập đoàn lớn, trong đó có doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn không nhỏ nhưng họ vẫn chống cự được vì có nguồn vốn lớn, lại xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đầu của quy trình sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng”.

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm tới 65% thị phần thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm tới 65% thị phần thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu khảo sát của Vietnam Report cho rằng để vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành, các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, tái cơ cấu hoạt động, chú trọng hơn đến công tác an toàn sinh học.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa, Vietnam Report cũng cho rằng cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm hữu cơ, tăng cường liên kết chặt chẽ với các trang trại, hộ chăn nuôi, mở rộng kênh phân phối và đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt chuẩn quốc tế.

Báo cáo của Grand View Research cho thấy ngành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam những năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 13-15%/năm, sản lượng công nghiệp đứng đầu Đông Nam Á. Sản lượng năm 2019 lên đến gần 20 triệu tấn, nếu tính chung thức ăn thủy sản, con số này có thể đạt hơn 30 triệu tấn.

OECD đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nước tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người hàng đầu thế giới và đứng thứ 3 châu Á. Từ đó, trả lời khảo sát của Vietnam Report, 57,1% doanh nghiệp cho rằng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng, trong khi 28,6% nhận định tăng trưởng khả quan.

Theo USDA, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép 5,06%/năm để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019.

Bạn nghĩ sao?