08:33 - 22/10/2020
 
Lãnh đạo các DNNN khẳng định, đã đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để khẳng định vị trí và vai trò của mình trong nền kinh tế, nhưng để DNNN phát triển tốt và bền vững, họ cần được tin tưởng nhiều hơn, được tự chủ hơn.
VNA minh hoa 16-10

 

Chiều 12/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí cộng sản tổ chức hội thảo “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị.

Các DNNN hiện đang chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia như: Năng lượng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, lương thực, dịch vụ cảng hàng không...

IMG_6146

 

Tại Hội thảo lãnh đạo các DNNN và các nhà khoa học cùng các chuyên gia đã một lần nữa khẳng định, thời gian qua, các DNNN đã đảm trách vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế và góp phần quan trọng để điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN không cao và chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập. Các DNNN chưa phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế nhà nước. Một số DNNN yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội...

Tiến trình cơ cấu lại hệ thống DNNN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết, đăng ký cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán còn chưa thực hiện được nhiều. Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để thực hiện được sứ mệnh của mình, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực được đầu tư, lãnh đạo các DNNN đề nghị cần có cơ chế chính sách phù hợp và cần được tự chủ hơn nữa, đi kèm với sự giám sát chặt chẽ đánh giá công bằng. Chủ tịch HĐTV Vinafood 1 phát biểu: “DNNN hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường, phải đảm đương sứ mệnh kép, đó là vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. DNNN vẫn chịu áp lực về hiệu quả đồng vốn, doanh thu, lợi nhuận và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Vì vậy cần có sự đánh giá công bằng về hiệu quả của doanh nghiệp trên cả 2 nhiệm vụ”.

Áp lực lớn, nhiệm vụ kép, kỳ vọng đặt vào cao và đảm đương trọng trách không hề nhỏ nhưng DNNN đang đứng trước sự thiếu tin tưởng và còn khó chủ động. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cảm thấy chính chủ sở hữu là Nhà nước đang thiếu niềm tin ở người đại diện phần vốn của mình ở doanh nghiệp bởi cơ chế chính sách hiện nay đang rất bó. Vì vậy nên chăng cần có những thay đổi vì mục tiêu mang lại hiệu quả tốt hơn cho DN và để cho DN được chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Anh 1 (11)

 

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương Trần Kim Chung cũng cho rằng, cần phải kiên quyết đổi mới cải cách, thậm chí cần phải rà soát, xem xét lại chế tài đối với những doanh nghiệp Nhà nước không phát huy được hiệu quả, không đảm nhận sứ mệnh của mình.

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung đánh giá, nêu bật vị trí, vai trò, đóng góp của DNNN; vai trò của DNNN trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, lương thực…; thực trạng phát triển của khu vực DNNN.

Các đại biểu cũng làm rõ thực trạng cơ chế, chính sách hiện nay đối với phát triển khu vực DNNN, trong đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của các hạn chế; từ đó đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Bạn nghĩ sao?