Triệu Hồ - 19:30 - 01/04/2021
 
Mới đây, chứng khoán BSC đã ra báo cáo triển vọng ngành dầu khí năm 2021 với nhận định hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí tại Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ sự phục hồi của giá dầu. Trong đó GAS, PVS, PVD là những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất.

Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc khởi sắc tập trung vào nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí; xử lý, phân phối khí mỏ và vận tải xăng dầu, dầu khí như: Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (Mã: GAS), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã:PVS) và Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD). Chứng khoán BSC đánh giá mức giá dầu 57 USD/thùng là phù hợp để làm kịch bản cơ sở cho dự phóng năm 2021.

Lợi nhuận GAS ước tăng gần 50% trong năm 2021

Năm 2020, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đạt doanh thu thuần 64.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 7.927 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 35% so với năm 2019.

Năm 2021, Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đi vào khai thác từ tháng 11/2020, dự kiến bổ sung từ 1.5 tỷ m3 khí/năm từ 2021. Mảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được GAS tích cực đầu tư sẽ là triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp. BSC dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2021 lần lượt đạt 77.145 tỷ đồng và 11.718 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 20% và 50% so với năm 2020. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu 6.122 đồng/cp. Chứng khoán Sài Gòn SSI cũng đưa ra ước tính sản lượng khí GAS tăng 9% do có nguồn khí mới (từ mỏ Sao Vàng) và việc thiếu khí từ Block 11.2 trong năm 2020 sẽ không diễn ra trong năm 2021. Giá dầu FO được giả định tăng +19% cũng sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho GAS.

anh 1 bai GAS

Mảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) tích cực đầu tư sẽ là triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này

Lợi nhuận PVS tăng 29%

Năm qua, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đạt 19.832 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với năm 2019, song lợi nhuận sau thuế giảm 26% xuống còn 735 tỷ đồng.

Giải thích việc doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, công ty cho biết năm qua đã trúng thầu một số dự án lớn như Sao Vàng – Đại Nguyệt, LNG Thị Vải, Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, nhưng đồng thời cũng phải chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, giá dầu sụt giảm và tăng chi phí. Tiến độ thực hiện các dự án của PVS, hiện giàn khoan Sao Vàng CPP đã hoàn thành và bắt đầu vận chuyển khí về bờ từ ngày 16/11/2020, giàn Đại Nguyệt WHP đang được tập trung thi công chế tạo, tiến độ đạt 65,54%. Trong khi, dự án Gallaf (Al Shaheen) ở Qatar đã hoàn thành công tác chế tạo, vận chuyển và lắp đặt ngoài khơi 3 giàn khoan và 3 cầu dẫn với khối lượng gần 10,000 MT, tiến độ tổng thể đạt 87,09%.

Về triển vọng 2021, BSC dự báo PVS dự kiến sẽ có nhiều việc làm hơn nhờ giá dầu tăng 36% so với năm 2020 lên 57 USD/thùng cùng với tình trạng thiếu hụt dầu khí thúc đẩy đầu tư thăm dò, khai thác các mỏ mới, đồng thời các dự án thi công kho cảng LNG được đẩy mạnh. BSC cũng dự báo năm 2021, PVS đạt 19.550 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so với 2020, song lợi nhuận sau thuế tăng 29%, ước đạt 950 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 1.738 đồng/cp.

Lợi nhuận PVD tăng 17%

Trong năm 2020, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đạt 5.235 tỷ đồng doanh thu thuần và 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 2% so với năm 2019. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, PVD cho biết sẽ hoãn thời gian chi trả năm 2019 sang đầu năm 2021.

Về triển vọng 2021, công ty cho biết sẽ có nhiều cơ hội sử dụng các giàn khoan tự nâng nhờ các trương trình khoan mới trong nước dự kiến được triển khai, qua đó cải thiện được hiệu suất hoạt động. Ngoài ra, giàn khoan TAD ký được hợp đồng dài hạn, đem lại việc làm chắc chắn cho PVD giai đoạn 2021 – 2026 và giúp cải thiện doanh thu lợi nhuận và dòng tiền của PVD.

Dựa vào phân tích trên, BSC dự báo, năm 2021, doanh thu thuần PVD giảm 4% so với 2020, đạt 5.034 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế tăng 17% đạt 212 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu dự kiến 325 đồng/cp với giả định hiệu suất hoạt động giàn khoan tự nâng sở hữu cải thiện từ 77% (2020) lên 87% và đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng duy trì ở mức 61.000 USD/ngày.

Doanh nghiệp khởi sắc nhờ giá dầu phục hồi

Theo SSI, "nước lên thuyền lên" là câu mô tả đúng nhất đối với ngành dầu khí trong bối cảnh cung tiền dồi dào. Hơn nữa, giá cổ phiếu của ngành phục hồi cũng là để phản ánh triển vọng phục hồi của giá dầu, tuy ở các mức độ khác nhau đối với từng công ty trong ngành dầu khí. SSI vẫn kỳ vọng ngành dầu khí sẽ tăng tiếp nếu giá dầu tiếp tục tăng so với mức hiện tại. Nếu trường hợp này xảy ra thì việc định giá lại ngành sẽ diễn ra.

Theo SSI, giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) nhộn nhịp hơn trong khi phát triển cơ sở hạ tầng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ là trọng điểm: Bên cạnh các dự án đang triển khai như Đại Nguyệt WHP, LNG Thị Vải và nhà máy lọc dầu Long Sơn… SSI kỳ vọng các dự án lớn khác sẽ khởi động trong giai đoạn 2021-2022, bao gồm nhà máy điện Nhơn Trạch 3 (tổng giá trị hợp đồng EPC: 500 triệu USD) và phát triển khí ngoài khơi ở Block B (vốn đầu tư: 9,7 tỷ USD) và đường ống (chi phí đầu tư: 1,3 tỷ USD). Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Một số khu liên hợp LNG đã được chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng. SSI ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 35,7% trong năm 2021. Các động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngành là PLX (+199% so với cùng kỳ) và GAS (+16,3% so với cùng kỳ).

SSI lưu ý rằng mặc dù có sự khác biệt về các yếu tố cơ bản của doạnh nghiệp, một số cổ phiếu dầu khí đã phản ứng nhanh và sát hơn với giá dầu so với những cổ phiếu khác. Do đó, SSI cho rằng khi xem xét đến cơ hội giao dịch trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu có tương quan cao nhất với giá dầu như PVD, BSR, OIL.

Box thông tin: Trên thế giới, giá dầu thô tăng nhẹ sau khi tàu bị mắc cạn ở kênh đào Suez hoạt động trở lại. Cụ thể, tính đến đầu giờ sáng ngày 26/3, mức giá đang được giao dịch ở ngưỡng: Giá dầu thô sàn Nymex (giao tháng 3/2021): 59,2 USD/thùng - tăng 78 cent;  Giá dầu Brent (giao tháng 4/2021): 62,5 USD/thùng - tăng 87 cent; Giá dầu thô sàn Tokyo (giao tháng 6/2021): 40,510 JPY/thùng. Đồng đô la tăng mạnh cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Đồng đô la đạt mức cao mới trong bốn tháng so với đồng euro khi phản ứng đại dịch của Mỹ tiếp tục vượt qua châu Âu. Nhu cầu dầu trên thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực đáng kể, bất kỳ tin tức nào về tiến triển của vắc xin, hoặc bất kỳ tin tức cắt giảm sản lượng từ OPEC và các kênh thông tin lớn đều trở thành yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của giá dầu.

Bạn nghĩ sao?