PV - 20:14 - 26/03/2021
 
Thời hạn chót để các doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đang đến rất gần. Vậy với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết, khi quyết toán thuế cần phải lưu ý những gì?

Như thế nào được coi là có giao dịch liên kết?

Theo Thông tư  41/2017/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với hoạt động có giao dịch liên kết thì, các bên có quan hệ liên kết gồm các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia.

Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp; doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia.

THUE DOANH NGHIÊP LIEN KET

Ảnh minh họa 

Doanh nghiệp bảo lãnh, hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Mượn tiền của chủ doanh nghiệp cũng là giao dịch liên kết

Mặc dù chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là kết thúc quyết toán thuế năm 2020, nhưng do đây là  năm có sự thay đổi về xác định giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP (nhằm tránh chuyển giá) nên vẫn có hàng loạt câu hỏi được doanh nghiệp gửi về Tổng cục Thuế để được hướng dẫn cụ thể.

Do gặp khó khăn về tài chính nhưng không thể tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp mượn tiền của giám đốc điều hành đồng thời cũng là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Thậm chí, để tiết giảm tối đa chi phí trong lúc khó khăn, nhiều doanh nghiệp sử dụng luôn nhà riêng của giám đốc làm trụ sở vì thế đang rất băn khoăn trước mối quan hệ giữa doanh nghiệp và giám đốc có phải là giao dịch liên kết hay không.

Tương tự, một doanh nghiệp không hề có bất cứ giao dịch nào với đối tác nước ngoài (kể cả vốn đầu tư, vốn lưu động cũng như giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ), nhưng tranh thủ thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp mượn tiền (không lãi suất) của chủ tịch công ty, cũng không biết có phải là giao dịch liên kết hay không?

Về nội dung này, theo Tổng cục Thuế, trường hợp giám đốc điều hành, kiểm soát doanh nghiệp có ít nhất 10% vốn góp chủ sở hữu vào doanh nghiệp thì quan hệ vay mượn được coi là giao dịch liên kết và kể từ kỳ tính thuế năm 2020 (đang thực hiện quyết toán) phải thực hiện theo các quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Còn giao dịch thuê, mượn nhà của giám đốc làm văn phòng không phải là giao dịch liên kết.

Giao dịch liên kết cũng được giảm 30% thuế TNDN năm 2020

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hoạt động nhờ vốn vay ngân hàng, trong đó có không ít doanh nghiệp vay ngân hàng với số tiền chiếm trên 25% vốn chủ sở hữu nên cũng rất băn khoăn về mối quan hệ vay mượn này có phải là giao dịch liên kết không?

Theo Tổng cục Thuế, một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì được coi là giao dịch liên kết. Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng là giao dịch liên kết. Việc xác định tỷ lệ 25% trên vốn chủ sở hữu được tính trên tổng số dư nợ vay.

Vay mượn là hoạt động phổ biến diễn ra giữa các công ty có mối liên hệ liên kết và giữa công ty con với công ty mẹ. Tuy nhiên, do cách xác định mức trần chi phí được trừ khác nhau (20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay cộng chi phí khấu hao của doanh nghiệp theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP; 30% theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP) cũng khiến nhiều doanh nghiệp không biết tính mức trần chi phí được trừ đối với lãi vay ra sao.

Một doanh nghiệp chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài vay tiền từ công ty mẹ nhưng chi phí lãi vay năm 2018 và 2019 đến năm 2020 mới thanh toán và không biết toàn bộ khoản lãi này có được tính vào chi phí được trừ theo Nghị định nào.

Theo Tổng cục Thuế, số tiền lãi vay năm 2018 và 2019 đến năm 2020, doanh nghiệp mới trả cho công ty mẹ là chi phí lãi vay phát sinh tương ứng với doanh thu của kỳ tính thuế năm 2018 và năm 2019 nên phải thực hiện theo mức trần được quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP  do thời điểm doanh nghiệp chi trả chi phí lãi vay vào năm 2020 không tương ứng với doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2020 nên không được tính vào chi phí được trừ của năm 2020.

Để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2020, Quốc hội Nghị quyết 116/2020/QH14 giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết hiện không biết có thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN hay không.

Theo Tổng cục Thuế, việc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết để xác định nghĩa vụ thuế TNDN  được thực hiện khi doanh nghiệp kê khai quyết toán thuế năm 2020 (kết thúc vào 31/3/2021). Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 thì phần liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế TNDN đối với giao dịch liên kết cũng được giảm thuế TNDN theo quy định.

Trách nhiệm kê khai kèm theo Tờ khai quyết toán thuế TNDN

Doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai các mẫu theo quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thay thế cho Mẫu số 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính và nộp kèm theo Tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN, như sau:

Mẫu số 01 Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính.

Mẫu số 02 Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia và Mẫu số 03 Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu.

Mẫu số 04 Kê khai thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên có hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ theo hướng dẫn (Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 41/2017/TT-BTC).

Bạn nghĩ sao?