Thu Hà - 18:34 - 28/04/2020
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đáng kể. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy, 30 tỉnh thành có 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ phải dừng hoạt động.
Empty

 

Khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam với gần 200 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp gặp một số vấn đề như: Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản phẩm đầu ra bị tồn đọng, thu hẹp quy mô lao động hay năng suất lao động giảm rõ rệt... Nếu không thể tìm ra cách khắc phục, phần lớn doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững.

Với mong muốn chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức talkshow trực tuyến cho các doanh nghiệp với chủ đề "Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh".

Theo một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 85% doanh nghiệp cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019.

Các doanh nghiệp được khảo sát đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước, tập trung vào hỗ trợ tài chính: Giảm lãi suất, giãn nợ, không tăng giá điện nước, hoãn đóng bảo hiểm xã hội... Trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, đề xuất của doanh nghiệp phù hợp với thực tế, tuy nhiên, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận nên cần có những bước đi nhằm ổn định sản xuất và gia tăng hiệu quả, đặc biệt là sau giai đoạn ảnh hưởng do dịch COVID-19 kéo dài.

Tại hội thảo, chuyên gia Cao Hoàng Long, Trưởng Phòng Giải pháp quản lý và Đổi mới sáng tạo, Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Vấn đề xuất nhập khẩu bị hạn chế; cung - cầu hàng hóa nguyên vật liệu đều giảm sâu trong khi quy mô xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây rất lớn. Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng, trước mắt là khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam phải đối mặt với đòi hỏi về chất lượng sản phẩm hàng hóa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Các hành vi giả dối, gian lận chất lượng sẽ không còn chỗ đứng, chất lượng hàng hóa chuyển từ "chất lượng tuân thủ" sang "chất lượng thỏa mãn". Bên cạnh đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, hàng hóa rất quan trọng.

Cũng theo chuyên gia Cao Hoàng Long, các doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất thủ công, mức độ tự động hóa thấp, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số, chưa thực sự chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn yếu ở khâu kiểm soát quá trình sản xuất và lập kế hoạch, điều độ.. Từ những thực tế trên, có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã khó trong điều kiện bình thường, nay lại càng khó khăn hơn rất nhiều trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài. Do vậy, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay là tất yếu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không còn là sự lựa chọn.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về những xu hướng và các giải pháp quản trị doanh nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh và cải tiến năng suất lao động sau dịch COVID-19./.

Bạn nghĩ sao?