Quỳnh Chi - 08:28 - 10/04/2021
 
Lần đầu tiên, nông dân trồng lúa ĐBSCL thu lãi kỷ lục, khoảng 50%; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL nên giảm diện tích đất trồng lúa ở những nơi có thể bị tác động bởi hạn mặn...

Vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 58.000 ha và đang vào vụ thu hoạch, với năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha. Theo nông dân trồng lúa chia sẻ, giá lúa thương phẩm các loại năm nay tăng hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và được xem là năm có giá lúa tăng cao kỷ lục.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), vụ đông xuân 2020 - 2021, tinh thần sản xuất linh hoạt, "né" hạn mặn tiếp tục được phát huy, việc các địa phương chủ động xuống giống sớm, tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ đã giúp nông dân khắc phục được những tác động của hạn mặn, năng suất lúa được cải thiện và chủ động đón "sóng" thị trường.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, vụ đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,51 triệu ha, giảm hơn 27.000ha so với vụ trước.

Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch được khoảng 1 triệu ha, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đây là năng suất lúa đạt cao nhất trong 5 năm qua.

DBSCL

 Thu hoạch lúa tại ĐBSCL

Điều đáng ghi nhận là, dù giảm diện tích sản xuất nhưng sản lượng lúa đông xuân tăng, xuất khẩu gạo ổn định, giá lúa bán cao nên có lợi cho nông dân, thậm chí giá lúa đông xuân đã lập kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây khi đạt bình quân 7.000 - 9.000 đồng/kg.

Giá lúa ổn định nên lợi nhuận của nông dân trồng lúa lần đầu tiên đạt trên 45%, có nơi như TP.Cần Thơ, nông dân đạt lợi nhuận tới 50%.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao, thậm chí giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên mức 515 - 520USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Trong khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 500USD tấn...

Đáng chú ý, Tổng Công ty Lương thực miền Nam cũng vừa giành được hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn gạo 5% tấm sang Bangladesh, với giá 600 USD/tấn.

Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, giá lúa phẩm cấp thấp như IR50404 còn tiệm cận, có thời điểm còn cao hơn giá của một số loại lúa thơm (lúa hạt dài) do diện tích lúa chất lượng thấp đang giảm đáng kể về diện tích.

Theo báo cáo tổng hợp diễn biến thị trường lúa gạo ở một số địa phương thuộc vùng ĐBSCL của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa thường (IR50404) ở một số địa phương còn cao hơn lúa hạt dài (chất lượng cao).

Cụ thể, tại Tiền Giang, lúa IR50404 tươi bán tại ruộng là 6.650 đồng/kg, trong khi loại hạt dài là 6.550 đồng/kg. Tương tự, giá bán hai loại gạo này tại tỉnh Đồng Tháp tương ứng là 6.650 đồng/kg và 6.550 đồng/kg; còn ở TP.Cần Thơ là 6.650 đồng/kg và 6.450 đồng/kg - cao hơn 200 đồng/kg; tại tỉnh An Giang, giá lúa thường cũng cao hơn hạt dài 100 đồng/kg.

Hiện tại, lúa tươi giống Ma Lâm 202 được thương lái mua tại ruộng có giá từ 6.600 - 7.000 đồng/kg; các giống IR 50404, OM 5451, OM 4900  từ 6.500 - 6.700 đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xã Huyền Hội, huyện Càng Long vừa thu hoạch 2 ha lúa giống Ma lâm 202, năng suất đạt 9 tấn/ha. Với giá bán 7.000 đồng/kg tại ruộng, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 80 triệu đồng.

Cùng niềm vui trúng mùa, trúng giá, ông Thạch Nụ, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần cho biết, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, gia đình tôi gieo sạ 0,8 ha giống OM 4900 và đang chuẩn bị thu hoạch. Nếu như vụ Đông Xuân năm ngoái, loại giống này chỉ bán được 5.000 đồng/kg thì thời điểm này ruộng lúa được thương lái đặc cọc với giá 6.800 đồng/kg.

Cùng niềm vui trúng mùa, trúng giá, ông Thạch Nụ, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần cho biết, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, gia đình tôi gieo sạ 0,8 ha giống OM 4900 và đang chuẩn bị thu hoạch. Nếu như vụ Đông Xuân năm ngoái, loại giống này chỉ bán được 5.000 đồng/kg thì thời điểm này ruộng lúa được thương lái đặc cọc với giá 6.800 đồng/kg.

Theo ông Trần Văn Tâm, thương lái thu mua lúa tại Ba Tri, hiện các giống lúa thường như OC10, Long Định (trồng tại Bến Tre), IR50404 (trồng tại Đồng Tháp, An Giang)… dùng trong sản xuất bột, làm bún, bánh phở…được thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, làm cho giá lúa tăng từ 2.500-3.000 đồng/kg so với các năm trước.

Mặt khác, các vùng trồng lúa tại An Giang, Đồng Tháp đang dần chuyển sang các loại giống lúa chất lượng cao, sản lượng lúa IR50404 giảm dần, do đó phần nào ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các loại giống lúa này, giúp cho giá lúa ngày tăng lên. Ngoài ra, xuất khẩu gạo trong thời gian qua thuận lợi cũng tạo điều kiện giá lúa tăng lên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, vụ Thu Đông 2021 toàn tỉnh Bến Tre gieo sạ hơn 10,5 nghìn ha tập trung ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm, với năng suất trung bình hơn 5 tấn/ha. Hiện vụ lúa Thu Đông đang vào thu hoạch rộ hơn 50% diện tích.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao, thúc đẩy giá lúa gạo trong nước lập kỷ lục mới, giúp nông dân thu lợi nhuận, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, khu vực này nên giảm diện tích đất trồng lúa ở những nơi chịu nhiều tác động bởi hạn mặn.

Trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động nông dân giảm diện tích trồng lúa ở những địa phương thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô; khuyến khích nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống sớm để tránh hạn hán, mặn xâm nhập cuối vụ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi nội đồng, nạo vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng, đảm bảo khả năng tích trữ, điều tiết, cung cấp nước, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất.

Trên thực tế, mấy năm gần đây, dựa trên lợi thế của từng ngành hàng, Bộ NNPTNT đã có sự xoay trục linh hoạt trong cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL theo thứ tự ưu tiên: Thủy sản - trái cây - lúa gạo, thay vì lúa gạo - thủy sản - trái cây như trước đây.

Bạn nghĩ sao?