PV - 13:52 - 25/03/2021
 
Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng ở mức cao, cùng với đó là những khó khăn do dịch COVID-19 khiến cho nguồn cung ứng mặt hàng này thiếu hụt cục bộ ở một vài thời điểm và một số vùng.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kể từ sau Tết Nguyên đán 2021, giá nhiều loại phân bón như DAP, urê, NPK… tiếp tục tăng thêm từ 30.000 đến 130.000 đồng/bao, loại 50kg và hiện đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình giá phân bón tăng mạnh trong 3 tháng qua, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón trong cuộc họp với Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam và lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ngung xuat khau phan bon 1

 Cục Bảo vệ thực vật đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ông Trung đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP và cho biết sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất.

Ông Trung cho biết thêm: Ðể thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thuế tự vệ đối với phân bón. Thực tế hiện nay giá sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước đang rẻ hơn so với phân bón nhập khẩu rất nhiều.

Tại cuộc họp của Cục bảo vệ thực vật với các đơn vị sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Trung – cục trưởng Cục bảo vệ thực vật – yêu cầu phải đánh giá lại đầy đủ tình hình sản xuất, cung ứng, lượng phân bón DAP trong 3 tháng qua so với cùng kỳ năm trước để xem liệu có hay không việc sản xuất giảm tới ¾

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 - 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khoảng 1 triệu tấn là DAP. Về cơ bản, Việt Nam đã tự chủ được mặt hàng phân bón từ nhiều năm qua, thậm chí năm 2020 còn xuất khẩu trên 1 triệu tấn phân bón các loại.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, hiện tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất phân bón tại Việt Nam lên tới 34 triệu tấn/năm nên sản xuất phân bón trong nước mới đạt sản lượng khoảng 1/3. Do đó, không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, ngay khi giá mặt hàng DAP tăng mạnh, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ với các nhà máy sản xuất DAP trong nước đề nghị các đơn vị hạn chế tối đa xuất khẩu để ưu tiên tối đa thị trường trong nước để cân bằng ổn định.

“Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần sử hiệu phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn, bởi thực tế hiệu suất sử dụng phân bón của Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt 50 - 60% dẫn tới lãng phí và ô nhiễm môi trường”, ông Trung nói.

Hiện phân DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng khoảng từ 240.000 đến 250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020.

Còn giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) đang ở mức từ 500.000 đến 510.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao so với cuối năm trước. Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000 đến 500.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn thêm vài chục nghìn đồng/bao khi nông dân mua thiếu nợ tiền đến cuối vụ lúa mới thanh toán.

Trong khi đó, giá phân bón NPK 20-20-15 Hiệp Thanh có giá 600.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay ở mức 650.000 đến 660.000 đồng/bao. Riêng phân bón Kali do Israel, Canada và Nga sản xuất ổn định ở mức giá khoảng từ 400.000 đến 440.000 đồng/bao, tùy loại, tăng vào chục nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020.

Theo các đại lý bán vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng. Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón như: khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân urê, DAP, Kali trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.

Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao như hiện nay, đại diện Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đã có nhiều quy trình sản xuất đối với các loại cây trồng để khuyến cáo nông dân giảm sử dụng phân bón, thậm chí cả thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chẳng hạn như cây lúa, hiện nay đang có các giải pháp về quy trình canh tác để giảm sử dụng phân bón như: IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"... để hướng dẫn người dân áp dụng trong sản xuất.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang yêu cầu các viện nghiên cứu tiếp tục có các gói kỹ thuật canh tác chuyên sâu hơn không chỉ đối với từng loại cây trồng mà cùng một loại cây trồng nhưng cụ thể hơn với từng vùng sinh thái để khuyến cáo người dân giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện nhiều địa phương cũng xây dựng nhiều mô hình canh tác "thông minh" để thay đi tư duy sản xuất cũ, hình thành thói quen sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo đủ đáp ứng cho đồng ruộng, bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Bạn nghĩ sao?