Văn Hoàng - 11:57 - 24/06/2020
 
Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, thách thức và cơ hội đặt cho doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tự hoàn thiện, thay đổi phương thức quản trị cũng như mạnh dạn bước ra thế giới.
1

Các chuyên gia tham dự Hội thảo kinh tế “Doanh Nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” được tổ chức vào ngày 1/12 tại Hà Nội

Cùng với những biến động không ngừng của các xu hướng thương mại thế giới, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng. Quá trình hội nhập mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, cạnh tranh.

Cùng với thương mại, công nghệ cũng không ngừng phát triển với các nền tảng về cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải lập kế hoạch để duy trì sự phát triển mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị tạo được niềm tin cho các bên liên quan; đảm bảo tính minh bạch, tăng cường hợp tác và hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị dài hạn.

Cùng đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách hợp lý, hiệu quả. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải thích nghi, muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Không gian kinh tế toàn cầu cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động, tiếp cận thị trường ở quy mô rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam được 3 phần thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới hội nhập kinh tế thế giới chưa được một phần. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ của nước ngoài hiện diện tại Việt Nam thì số doanh nghiệp Việt vươn mình ra thị trường khu vực rất hiếm hoi.

Khi kinh doanh trên thị trường rộng lớn doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế mang tính khu vực. Thêm vào đó, việc mở rộng thị trường cũng giúp các doanh nghiệp học hỏi nhanh hơn về công nghệ, quản trị, mô hình kinh doanh.

Nhưng để tham gia thị trường khu vực và thế giới thành công như TH True Milk,Viettel, FPT..., các doanh nghiệp cần có quá trình cần tích lũy nội lực cả về chất lượng sản phẩm, giải pháp lẫn năng lực kinh doanh quốc tế; đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng quản trị tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, marketing, sale...

Mấu chốt để thành công ở thị trường nước ngoài là năng lực bán hàng, kinh doanh quốc tế, sự khác biệt chứ không phải là có sản phẩm tốt nhất. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, luật pháp, thói quen tiêu dùng của người dân bản xứ.

Nhưng trên hết, để lớn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải thoát khỏi sự sợ hãi, từ bỏ được tư tưởng chỉ “quanh quẩn xó nhà” vì với quá trình toàn cầu hóa thương mại không chỉ có thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh các thị trường phát triển truyền thống, Việt Nam cũng cần có chiến lược khai thác hiệu quả hơn các thị trường nhiều tiềm năng như châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh…

Thực trạng kinh tế của Việt Nam

Xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh nhưng phần lớn giá trị ẩn phẩm đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài còn Việt Nam chỉ nhận lại lợi nhuận về lao động; chỉ một số ít công ty Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu.

Hầu hết các công ty Việt Nam hiện tại chỉ đầu tư vào các ngành đơn giản như nông, thủy sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên, dệt may đơn thuần đói hỏi chất lượng lao động không quá cao.

Doanh nghiệp Việt ít sản xuất được sản phẩm có giá trị cao, chất lượng ưu việt, thiết kế đẹp mắt và giá cả cạnh tranh thiếu nền tảng công nghệ và kinh nghiệm sản xuất đại trà. Với điều kiện thuận lợi về quan hệ thương mại và nguồn lao động dồi dào, Việt Nam không nên dựa vào các ngành đòi hỏi nhiều nhân công mà cần tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.

Song song với việc mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt phải khai thác tốt thị trường nội địa có quy mô gần 100 triệu dân bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu bằng hàng “made in Vietnam”. Giải pháp chinh phục người tiêu dùng hiệu quả nhất chính là đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra sản phẩm giá trị và khác biệt.

Với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để mở rộng thị trường ở nước ngoài mà vẫn tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới các đối tác chiến lược ở địa phương.

Việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia cũng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, thương mại khu vực và thế giới.

“Sân chơi” mới rộng lớn nhiều cơ hội…

Hội nhập kinh tế thế giới, quá trình toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế khách quan có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, vừa là điều kiện,vừa là kết quả cần thiết cho mọi quá trình phát triển xã hội. Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới khi ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Kể từ khi hội nhập cho tới nay, nước ta đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã có những đột phá mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều biến chuyển mới trong thời gian tới. Việt Nam đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 2000), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007), ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.

Nhờ tham gia các hiệp định FTA, các doanh nghiệp Việt Nam được đón nhận nhiều cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh, tự do sáng tạo, làm giàu cho mình và cho đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội khẳng định vị thế doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển, các định chế tài chính quốc tế hay tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư. 

….Nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các quy trình bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn. Làm được điều đó, các doanh nghiệp nước ta mới có thể hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt có uy tín, danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới.

  Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đem đến không ít khó khăn, thách thức. Một khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam hiểu về các Hiệp định TPP, AEC chỉ khoảng 20 – 30%. Hầu hết các doanh nghiệp không biết về lộ trình của Việt Nam trong AEC. Có tới 60 – 70% doanh nghiệp cho rằng, các hiệp định này không mấy ảnh hưởng đến họ. Rõ ràng, việc nắm bắt thông tin về các Hiệp định FTA là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít quan tâm về những lợi thế mà các FTA mang lại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn đang chủ yếu phát triển theo chiều rộng (tăng số lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và chiều sâu.

Hội nhập kinh tế với một sức cạnh tranh còn yếu kém cũng là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa nước ta còn chưa có nhiều thương hiệu nổi bật và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Trong tình hình nhiều thách thức đó, các doanh nghiệp nước ta vấp phải bài toán nan giải khi phải tìm ra những chiến lược để mở đường tăng trưởng, tìm ra con đường phát triển, hội nhập thành công.

Bạn nghĩ sao?