Quang Trọng - 08:17 - 10/11/2020
 
EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn .
2

 Ảnh minh họa.

EVFTA được ví như "đường cao tốc" nối Việt Nam với EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng nông nghiệp Việt chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Trong đó, nhóm giá trị nhất là: cà phê, khô dầu đậu tương, đậu tương, dầu cọ và hạt ca cao. Mức thuế suất hiện nay trong khoảng 7,5-11,5% tùy từng dòng hàng giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.

EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam sang châu Âu hơn 15 tỷ Euro và hơn 8 tỷ Euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm.

Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nói chung đẩy mạnh tái cơ cấu hướng vào nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm. Riêng đối với nông sản, lợi ích lớn nhất là cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

1

 

Bộ Công Thương cũng cho rằng thỏa thuận này càng có ý nghĩa hơn khi EU và Việt Nam là hai thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như cà phê, điều, trái cây nhiệt đới...

Khi yếu tố thuế quan không còn là vấn đề thì chất lượng sản phẩm và nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng tận dụng cơ hội của nông sản Việt. Để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ EVFTA, Việt Nam cần làm gì để tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, EVFTA sẽ mang đến những thách thức nào, doanh nghiệp phải ứng phó ra sao trước những vận hội mới. Những nội dung thảo luận trong tọa đàm "EVFTA cho nông sản Việt - thích nghi và bứt phá", diễn ra lúc15h ngày 27/10, trực tiếp trên VnEpxress.

Tọa đàm do bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard điều phối. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp kiêm Tổng Giám đốc l’amant cafe; bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu.

Trong phần giải pháp, các chuyên gia sẽ đi sâu vào việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường.Việc đẩy mạnh công tác đàm phán kỹ thuật, công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp về tiêu chuẩn của EU cũng cần có lộ trình cụ thể... Ngoài ra là các vấn đề về khía cạnh quản lý, cải thiện môi trường đầu tư...

Bạn nghĩ sao?