15:00 - 21/04/2019
 
Chuẩn úy Thanh ôm khẩu tiểu liên CAR 15 dành riêng cho biệt kích xông ra bắn thẳng vào tên tướng cướp, đạn vãi như mưa. Gần hai chục tay súng nhắm vào Hai néo nã đạn. Vậy mà trước khi bị bắn nát bươm người, Hai néo cũng kịp thời bắn trả gây tử thương cho 1 cảnh sát và bắn sượt tóc chuẩn úy Thanh.

Kỳ 3: Từ biệt đội hình cảnh lưu động đến đội săn bắt cướp

Cuộc chiến bất phân thắng bại

Năm 1972, chiến sự ác liệt cả 3 mặt trận: Bình Long – An Lộc – Quảng Trị khiến các loại tin tức về trộm cướp, các kiểu tội phạm hình sự khác, trở thành nhỏ nhoi vô nghĩa.

Nhưng dù vậy, với người dân đô thị như Sài Gòn, nó vẫn cứ là một vấn đề cấp thiết.

Cho đến một ngày, thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Quốc hội miền Nam bị giật chiếc đồng hồ Patex Philip trị giá lên đến cả vài chục ngàn dollar.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, tư lệnh lực lượng CSQG, triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và sau đó một đơn vị đặc biệt được thành lập. Đó là biệt đội hình cảnh lưu động, với thành viên được lựa chọn từ… quân đội!

Những tay thiện xạ gan dạ và có chút sắc máu mang từ chiến trường về, nhanh chóng hòa vào nhịp sống đô thị và bắt đầu ra tay.

Thanh, một chuẩn úy thuộc Lôi Hổ đã tham gia trong vụ giết Đại Cathay ở Kiên Giang năm 1968, được tuyển về biệt đội hình cảnh. Với khả năng của một biệt kích, Thanh nhanh chóng lập thành tích và bắn hạ hàng loạt cướp giật đường phố.

Cho đến một ngày, biệt đội hình cảnh va trúng kẻ đứng đầu danh sách tướng cướp Sài Gòn: Trương Văn Hay.

Một sai sót của nhân viên hộ tịch thuở chào đời đã khiến Hay trở thành Hai và do hơi béo, giang hồ gán luôn cho biệt danh Hai “néo” (heo nái).

Xuất thân là một quân cảnh gác trại tù phiến cộng ở phú Quốc, gã giải trí bằng cách dùng Colt 45 bắn dừa trôi bập bềnh trên biển.

Khả năng bắn súng thần sầu quỷ khốc của Hai “néo” đồn về tận Sài Gòn khiến Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cũng hiếu kỳ ra tận nơi thăm.

Sau khi chứng kiến nghệ thuật sử dụng súng cả 2 tay, viên thiếu tướng có máu cao bồi rất thích bèn tặng cho gã một cặp súng Colt có báng ngà khắc chữ ký của mình và gọi gã về làm cận vệ thay cho trùm người nhái Châu Nhị vừa thiệt mạng trong một cuộc tranh chấp với các du đãng sĩ quan nhảy dù.

Hai “néo” trèo lên trực thăng về Sài Gòn, nhưng một lý do chẳng đâu vào đâu, gã ôm cặp súng Colt do Ngyễn Cao Kỳ tặng, bỏ đơn vị trở thành tên cướp.

Chưa có trong danh sách theo dõi của cảnh sát nên Hai “néo” gây ra hàng loạt vụ cướp táo tợn ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Thủ pháp quen thuộc của gã là đeo bám những người đến ngân hàng giao dịch và cướp giật.

Ai chống trả đều bị gã bắn trọng thương. Biệt đội hình cảnh lưu động được lệnh trừ khử tên cướp này. Ngay tuần lễ đầu tiên, có 4 nhóm cảnh sát và biệt đội hình cảnh chạm súng với Hai.

Lần nào gã cũng thoát thân dễ dàng sau khi bắn hạ vài nhân viên công lực! Một kế hoạch triệt hạ Hai “néo” tỉ mỉ được vạch ra nhưng chỉ thị: “Không được tiếp cận Hai “néo” trong tầm đạn súng ngắn” khiến gã vẫn xoành xoạch ra tay cướp giật.

Chuyện ít biết về tội phạm cướp giật đường phố ở Sài Gòn (kỳ 3) - Ảnh 2.

Xe 67 xoáy nòng chỉ cần gài số, hạ chống cho bánh lăn là máy nổ, “chiến mã” giúp lực lượng SBC truy đuổi trấn áp tội phạm, bảo vệ dân lành

Một buổi trưa nắng như đổ lửa, lực lượng theo dõi báo về Hai “néo” đang sử dụng xe Vespa spring chở em trai đi thuê đồ cưới ở chợ Vườn Chuối quận 3.

Ngay góc ngã tư CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu bây giờ, gần hai chục tay súng của biệt đội hình cảnh lưu động chực sẵn. Chuẩn úy Thanh ôm khẩu tiểu liên CAR 15 dành riêng cho biệt kích xông ra bắn thẳng vào tên tướng cướp.

Đạn vãi như mưa nhưng gã cướp nhanh chóng hất đứa em trai văng ra khỏi xe. Gần hai chục tay súng nhắm vào Hai “néo” nã đạn.

Vậy mà trước khi bị bắn nát bươm người, Hai “néo” cũng kịp thời bắn trả gây tử vong cho 1 cảnh sát và bắn sượt tóc chuẩn úy Thanh.

Nhưng việc nổ súng bừa bãi của biệt đội hình cảnh lưu động đã khiến báo chí Sài Gòn có dịp chỉ trích dữ dội. Ngay sau đó, một vụ khác đã xảy ra như giọt nước tràn ly.

Đó là một vụ cướp giật trên đường Lê Thánh Tôn quận 1, nơi nổi danh với những tiệm vàng. Ngay khi tên cướp vừa lao ra từ tiệm vàng, lực lượng mai phục đã lập tức phản ứng.

Tên cướp nhảy lên chiếc Honda 67 do đồng bọn chờ sẵn để tẩu thoát. Lập tức một nhân viên biệt đội lao ra nổ súng bắn thẳng. Hai tên cướp chạy mất để lại hiện trường một bà bán thuốc lá trúng đạn chết tại chỗ.

Sử dụng súng thiếu chính xác đã thành đề tài báo chí chế giễu lực lượng cảnh sát suốt vài tuần lễ khiến Nguyễn Khắc Bình nóng mặt. Biệt đội hình cảnh lưu động lập tức bị giải tán!

Cướp giật gia tăng một cách trầm trọng vào những ngày cuối cùng của chế độ, đến nỗi Quốc hội của Sài Gòn phải đưa vào nghị sự. Cho đến tận khi mất Phước Long, mọi chuyện vẫn còn đó nhưng chẳng còn ai quan tâm…

SBS của Sài Gòn những ngày đầu

Sau khi non sông thu về một mối, chỉ trong thời gian 3 năm, từ 1975 đến 1978, đã xảy ra 45.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, có 1.400 vụ cướp lớn. Gần 170 người vô tội bị bắn chết, 200 người bị thương.

Tài sản bị cướp theo ghi nhận của công an, gồm 1.200 lượng vàng, 70 viên kim cương, 15 xe ô tô, 370 xe máy, 460 đồng hồ.

Tính bình quân trên địa bàn thành phố, cứ 40 phút lại xảy ra một vụ cướp! Một con số kỷ lục về tội phạm trong lịch sử nước ta, kể cả thế giới!

Khét tiếng trong thời điểm này là băng cướp do tên Võ Tùng Hội cầm đầu. Chúng có 33 tên được trang bị 14 khẩu súng, 3 ô tô, 20 xe máy. Chúng đã gây ra 100 vụ cướp, bắn chết 2 người, bắn bị thương 3 người.

Một băng khác do tên Lê Nghĩa cầm đầu còn tàn ác hơn. Chúng dùng súng bắn như vãi đạn giết sạch cả một gia đình. Trong vòng một tháng chúng giết hại 13 người dân.

Băng cướp này dùng tiền, vàng và tài sản cướp được tiêu xài và đầu tư mở… lò bánh mì, y như “mô hình” của maphia ở Ý và Mỹ.

Dùng tiền của ăn cướp đầu tư và sản xuất kinh doanh để vừa rửa tiền, vừa có “hậu phương” vững chắc nuôi quân, phòng ngừa bất trắc…

Chuyện ít biết về tội phạm cướp giật đường phố ở Sài Gòn (kỳ 3) - Ảnh 3.

Ông Hai Thành, một huyền thoại của đội SBC

Tháng 3/1978, 5 đội SBC (săn bắt cướp) ra đời thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP và Công an quận 1 gồm 72 chiến sĩ được tuyển chọn trong toàn bộ lực lượng công an.

Trước đó, Công an quận 5 do trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là thiếu tướng) làm trưởng phòng đã thành lập đội “săn bắt cướp” hoạt động mạnh mẽ để đối phó với những diễn biến tội phạm nguy hiểm trên địa bàn quận.

Lực lượng này được “nhập” vào “binh chủng” SBC của thành phố. Và người đi tiên phong, thiếu tá Trịnh Thanh Thiệp, lúc này là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thành phố, phụ trách “binh chủng” SBC mới tinh này.

Đội trưởng SBC là đại úy Phan Thanh, tức Ba Tung, một trinh sát biệt động nội thành nổi tiếng.

“Luật” của “binh chủng” SBC ngay từ khi ra đời được lãnh đạo Công an TP.HCM thông qua, quy định như sau: “Trinh sát SBC không quá 30 tuổi, được phép chạy hết tốc độ (thời kỳ ấy là xe S.67 xoáy nòng.

Khi thi hành công vụ, trinh sát SBC được đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Gặp đối tượng bị truy nã không đầu hàng, sau hai phát súng cảnh cáo, trinh sát SBC được phép bắn đối tượng.

Nếu đối tượng có vũ khí hung hãn đối đầu, trinh sát SBC được phép bắn chết mà không cần cảnh cáo. Các trinh sát SBC phải thực hiện nhiệm vụ theo điều động của chỉ huy 24/24.

Trinh sát SBC phải tuyệt đối giữ bí mật nội dung công tác, dù đó là vợ, con, cha mẹ hay người yêu. Trinh sát SBC có thẻ riêng để chứng minh thân phận khi cần thiết”.

Chỉ trong thời gian đầu vừa được thành lập, những băng cướp táo tợn gần như bị xóa sổ bởi lực lượng SBC với nhiều quyền hạn.

Nhưng những bọn cướp giật nhỏ lẻ và luôn hành động chẳng theo quy luật nào thì việc triệt phá hoàn toàn không dễ dàng gì.

Cuộc đua không ngừng nghỉ của tội phạm và các cơ quan chức năng vẫn còn tiếp diễn, với mức độ thôi ác liệt nhưng quy mô có phần phức tạp hơn.

Cho đến ngày giải tán trả về cho các đơn vị cảnh sát hình sự, lực lượng SBC thuộc CA TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ trả lại an bình trên đường phố.

Và cho đến bây giờ, sự tái xuất của lực lượng này theo chỉ thị của các cấp lãnh đạo TP.HCM, lại một lần nữa mang đến hy vọng cho người dân lương thiện.

Nhưng hiện nay, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm cướp giật đã khác xa ngày trước.

Đồng thời những quy định khắt khe của luật pháp, của điều lệnh ngành công an, sự chú ý của dư luận… khiến sự thành công trong việc đẩy lùi, kéo giảm thậm chí triệt tiêu nạn cướp giật đường phố, cũng không phải là việc dễ dàng và càng không phải việc của một sớm một chiều.

Tuy nhiên, chúng ta còn cần rất nhiều thời gian và lòng kiên nhẫn để hy vọng!

Những ngày đầu tiên, dù tên gọi khác đi, nhưng rõ là lực lượng đặc nhiệm này của CA TP.HCM đã có kết quả rõ rệt qua hàng loạt báo cáo đánh giá của các cơ quan liên quan. Quả là đáng mừng!

Bạn nghĩ sao?